Cảnh cạn nước khó tin tại hồ lớn nhất thế giới
Một số khu vực ở Iran ven Caspi - hồ nước lớn nhất thế giới về cả diện tích và thể tích - chồng chất rác thải, nước cạn dần, sinh vật biển 'chết dần chết mòn'.
Rời Tehran đến sống tại phía bắc thành phố Rasht (tỉnh Gilan, Iran) ở tuổi 13, Khashayar Javanmardi ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến gammarus, loài tôm nước ngọt, biến mất ở khu vực biển Caspi.
"Sự vắng mặt của động vật giáp xác này là một hồi chuông đáng báo động", Javanmardi nói với CNN.
Theo lời nhiếp ảnh gia địa phương, khu vực bờ kè tại Rasht từng là một nơi thơ mộng, tầm nhìn phía biển đẹp như tranh. Song, cảnh vật lãng mạn thuở nhỏ chỉ còn là kỷ niệm. Ô nhiễm môi trường đã "đánh bay" một lượng sinh vật biển.
Nằm giữa châu Âu và châu Á, Caspi là vùng nước nội địa lớn nhất thế giới, được bao bọc bởi 5 quốc gia, Iran, Nga, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan.
Trong những năm gần đây, hồ trở thành mối quan ngại đối với những người dân sống gần bờ.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc mô tả Caspi đang chịu "gánh nặng ô nhiễm to lớn từ khai thác và lọc dầu". Các mỏ dầu ngoài khơi, chất thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân, khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý và chất thải công nghiệp chủ yếu được đưa vào sông Volga (chảy qua Nga và cuối cùng đổ vào biển Caspi).
Chính những lo lắng về đa dạng sinh học tại khu vực này là nguồn cảm hứng cho nhiều dự án với mục đích đánh bật sự suy thoái về hành vi, đạo đức của những cá nhân tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội, trong đó có bộ ảnh kéo dài một thập kỷ của Javanmardi và chuyên khảo Caspian: A Southern Reflection (tạm dịch: Biển Caspi: Sự phản chiếu của miền Nam Iran) của Loose Joints.
Theo CNN, cuốn sách ghi lại phong cảnh, chân dung và cả những khung cảnh yên tĩnh hiếm hoi ở vùng biển Caspi, phía Iran. Một số cảnh nổi bật như một người đàn ông có ria mép ngồi một mình cạnh chiếc bàn nhựa, vẻ mặt chán nản trông về phía biển hay hình ảnh của những con tàu bị bỏ hoang, đồ vật ngổn ngang chất đống.
Thành quả của Loose Joints được đề cử tại Prix Elyseé vào năm ngoái (một trong những giải thưởng nhiếp ảnh uy tín nhất thế giới).
Đánh giá về tác phẩm, Giám đốc bảo tàng Elyseé (thành phố Lausanne, Thụy Sĩ) Nathalie Herschdorfer, cho biết ban giám khảo cảm nhận được dư vị hoang vắng thông qua các trang sách. Cảnh người dân được chụp từ xa thể hiện sự cô đơn trộn lẫn với cảm giác buồn bã.
Về phía chính quyền, Bộ Môi trường Iran cho hay vùng biển Caspi bị ô nhiễm với hơn 120.000 tấn chất thải hàng năm. Tỷ lệ đánh bắt giảm mạnh, khoảng 70% trong những năm gần đây, ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế của ngư dân địa phương.
Năm 2020, tiến sĩ Frank Wesselingh từ Đại học Utrecht (Hà Lan) từng cảnh báo một số khu vực đánh bắt cá quan trọng tại biển Caspi phía Iran có thể biến mất, nước khô cạn.
3 năm sau, ngày 12/8/2023, Cơ quan Vũ trụ Iran (ISA) phát đi thông báo mực nước biển Caspi liên tục xuống thấp, dựa trên hình ảnh vệ tinh. Ghezel Ozen, một trong những con sông dài nhất của Iran và là một nhánh của biển Caspi, đã cạn kiệt nước do thiếu lượng mưa và biến đổi khí hậu, dẫn đến sự "mất mát tàn khốc" của động vật hoang dã dưới nước và tạo ra mùi xú uế kéo dài hàng km vào tháng 2/2022.