Canh cánh tiến độ Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết
Không còn nhiều thời gian để UBND tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng, tránh bị lệch tiến độ quá xa với hạng mục quân sự dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2024.
Rốt ráo thẩm định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Thông báo số 65/TB-BKHĐT thông báo kết luận cuộc họp của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.
Cuộc họp của Hội đồng Thẩm định liên ngành được tổ chức vào ngày 18/12/2023, tức là chỉ sau chưa đầy 1 tháng kể từ khi UBND tỉnh Bình Thuận có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng) đề nghị thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.
Nếu tính theo mốc thời điểm ban hành Thông báo số 65 (ngày 25/12/2023), thì khoảng thời gian từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình Hồ sơ Dự án đến khi Hội đồng thẩm định liên ngành đưa ra các đánh giá, khuyến nghị chỉ mất chưa tới 45 ngày.
Đây là tiến độ thẩm định nhanh hiếm có, thể hiện trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Hội đồng đối với dự án đang gặp nhiều vướng mắc này.
Tại Thông báo số 65, Hội đồng chỉ rõ, Dự án được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2021, đến nay đã qua nhiều lần lấy ý kiến, hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ.
“Tiến độ vận hành, khai thác của phần sân bay quân sự thuộc Cảng hàng không Phan Thiết sẽ được khai thác, sử dụng vào năm 2024, nên tiến độ thực hiện hạng mục hàng không dân dụng là rất gấp, cần được UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ Dự án”, Thông báo số 65 nêu.
Được biết, theo đề xuất mới nhất của UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E, công suất 2 triệu lượt hành khách/năm. Các hạng mục chính của Dự án gồm: nhà ga hành khách (2 triệu lượt hành khách/năm); 1 đài kiểm soát không lưu dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự; sân đỗ máy bay hàng không dân dụng đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay…
UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến, thời gian thực hiện công tác thiết kế sau thiết kế cơ sở và xây dựng công trình là 27 tháng; thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn là 45 năm.
Mặc dù thời gian hoàn vốn đã giảm tới 25 năm so với phương án đầu tư năm 2014, nhưng đây vẫn là thách thức không nhỏ cho các nhà đầu tư tiếp cận các khoản vay tín dụng, bởi hiện nay, hầu hết ngân hàng đều muốn giới hạn thời gian cho vay các dự án hạ tầng dưới 20 năm.
“Canh cánh” tiến độ
Chiểu theo Thông báo số 65, UBND tỉnh Bình Thuận phải hoàn thiện khá nhiều nội dung quan trọng trong Hồ sơ Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng, nếu muốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể, về quy mô đầu tư, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát các quy hoạch cảng hàng không liên quan đã được phê duyệt, quy mô đầu tư đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với công suất thiết kế 3 triệu lượt hành khách/năm theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như yêu cầu phục vụ vận tải của cảng hàng không (phần dân dụng) đến hết thời gian hợp đồng Dự án (dự kiến đến năm 2070).
Về quy mô nhà ga hành khách, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, dự báo đến năm 2070, lượng hành khách qua Cảng hàng không này là 3,45 triệu lượt/năm. Căn cứ Tiêu chuẩn TCVN 12575:2019, thì diện tích nhà ga cần 21.528 - 24.564 m2. Như vậy, quy mô thiết kế của nhà ga hành khách rộng 16.185 m2 mà UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất không đảm bảo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết, có một số hạng mục thuộc khuôn viên Dự án dự kiến đầu tư sau năm 2030 (khu ga hàng hóa, trạm điện, khu hàng không dùng chung, khu cấp nhiên liệu, chế biến suất ăn...). Tuy nhiên, Hồ sơ Dự án không có những hạng mục này và phần đất chưa đầu tư xây dựng các công trình nêu trên được đề xuất bàn giao cho nhà đầu tư quản lý (không bàn giao khai thác sử dụng). Hội đồng cho rằng, trường hợp những hạng mục nêu trên không có trong phương án đầu tư của Dự án sẽ rất khó trong việc giao đất, quản lý đất, cũng như thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp để thực hiện theo các dự án khác trong khuôn viên Dự án sau này...
Vì vậy, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý để làm rõ kế hoạch đầu tư và phương án khai thác tương ứng, làm cơ sở phê duyệt, thực hiện các bước tiếp theo của Dự án.
Bên cạnh đó, việc cơ quan có thẩm quyền dự kiến đầu tư một lần đối với nhà ga hành khách công suất 2 triệu lượt hành khách/năm cho cả vòng đời Dự án 45 năm và không có phương án đầu tư cho các hạng mục là chưa hợp lý. Do Dự án không có phương án phân kỳ đầu tư, nên việc sử dụng thuật ngữ “giai đoạn 1 của Dự án” trong Báo cáo Nghiên cứu được đánh giá là không phù hợp.
Đặc biệt, Dự án được dự kiến hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 6/2024 và bắt đầu vận hành, khai thác từ tháng 6/2026, chuyển giao, kết thúc hợp đồng BOT năm 2070. Hội đồng Thẩm định cho rằng, tiến độ này chưa đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ Cảng hàng không Phan Thiết với công năng lưỡng dụng quân sự và dân sự. Việc đầu tư xây dựng các công trình của Dự án trong khi phần sân bay quân sự đã đi vào khai thác (dự kiến đầu năm 2024) là rất phức tạp, phát sinh chi phí, thời gian và các yêu cầu đặc thù cho cả dân sự và quân sự.
“UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải để có các giải pháp xử lý các hạng mục dùng chung, không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của dự án quân sự”, Hội đồng Thẩm định liên ngành một lần nữa lưu ý.