Cánh đồng 'vàng' trên cát trắng
Tìm được hướng đi thích hợp, vùng đất nghèo ven biển ở Quảng Ngãi có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Vùng đất khó chuyển mình
Nhìn cánh đồng chạy dọc ven biển phủ màu xanh mơn mởn của hành, ngò, ông Nguyễn Nga (69 tuổi, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hồi tưởng: “Vùng này trước kia chỉ là những đồi đất khô cằn. Sau đó người dân thấy ở đây điều kiện cũng giống với đảo Lý Sơn nên bắt tay vào cải tạo và thử trồng hành, tỏi".
Trong trí nhớ của ông Nga, những vụ đầu tiên rất gian khó. Bao nhiêu tiền kiếm được đều đầu tư vào đào giếng, đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Vào mùa gió bấc, bà con lại mua bạt về che chắn, bảo vệ cây tỏi, cây hành...
"Tính ra, từ năm 1985 trở lại đây, người dân trải qua 3 dấu mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong canh tác, sản xuất. Đổ biết bao mồ hôi mới có ngày hôm nay”- ông Nga chép miệng.
3 dấu mốc quan trọng mà ông Nga nói là vào khoảng năm 1985, người dân bắt tay vào khai hoang, mở đường, gánh cát, góp nhặt đá vôi… dần tạo nên những cánh đồng bằng phẳng.
Năm 1990, giống hành tím ở Lý Sơn được đưa về trồng thử nghiệm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở vùng Thanh Thủy. Đến năm 2000, đường điện kéo ra đồng ruộng, người dân được "tiếp sức" để phát triển trồng hành, tỏi.
Xưa kia, Thanh Thủy chỉ trồng bắp, trồng khoai, bao mảnh đời nghèo khổ cứ lầm lũi, mòn mỏi. Từ chỗ khó khăn, nông dân Thanh Thủy biến bất lợi trở thành lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các giống cây phù hợp nền đất cát được ưu tiên canh tác đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo nên những cánh đồng "vàng".
Không nằm ngoài cuộc “cách mạng”, ông Nga cũng cần mẫn cải tạo, chăm bón ruộng vườn. “Bây giờ chuẩn bị làm đất, xuống giống vụ hành tím mới. Đợt Tết vừa rồi 3 sào đất này trồng ngò, giá bán khá cao, thu được hơn chục triệu”- ông Nga cười khà khà.
Thời điểm này, cánh đồng nén (hành tăm) vụ đầu tiên của chị Nguyễn Thị Nở (thôn Thanh Thủy) đang vào mùa cho củ. Chị Nở nhẩm tính, hơn 4 sào nén với giá bán 80 - 100 nghìn đồng/kg sẽ giúp chị thu hồi vốn và có lãi để tiếp tục tái đầu tư vụ hành mới.
"Vùng đất cát này trước đây mỗi năm trồng 3 vụ hành, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều năm liền vụ thứ 3 cho năng suất thấp mà chi phí đầu tư lại cao. Thấy vậy, tôi thử trồng nén. Khi thấy cây nén cho lá xanh tươi và dày củ, tôi rất mừng"- chị Nở cho hay.
Hiện tại, hành tím là cây trồng chủ lực của người dân Thanh Thủy. Thôn có 560 hộ dân, nhưng có hơn 380 hộ tham gia trồng hành, với diện tích hằng năm lên đến 100ha, sản lượng trên 1 nghìn tấn/năm.
“Việc xác định đúng cây trồng phù hợp với chân đất cát ven biển đã giúp người dân có thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/hộ/năm”-Trưởng thôn Thanh Thủy Võ Thanh Tùng chia sẻ.
Phát huy thế mạnh
Từ hiệu quả của việc chọn cây trồng phù hợp với chân đất, nghề trồng hành tím ở Thanh Thủy bây giờ đã vươn mạnh mẽ ra các thôn: An Cường, Vạn Tường và trở thành thế mạnh của vùng đất cát ven biển xã Bình Hải.
Năm 2019, hành tím Bình Hải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu, sự kiện này đã đánh dấu sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo ven biển. Nếu như trước đây, giá hành chỉ khoảng 20–25.000 đồng/kg, thì nay tăng lên 50.000 đồng/kg. Giá cả hành tím tăng cao, đời sống bà con cũng vì thế mà ngày càng đủ đầy, no ấm hơn.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hải Ngô Văn Thính, sản phẩm hành, tỏi của Bình Hải, mà trọng tâm là ở thôn Thanh Thủy đã đem lại nguồn kinh tế đáng kể cho nhân dân.
Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được cấp mã số, mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc, hành tím Bình Hải không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh, mà còn mở rộng ra thị trường các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…
Theo thống kê, xã Bình Hải hiện có hơn 80% hộ sống bằng nghề trồng hành. Hằng năm, diện tích gieo trồng hành tím khoảng 180ha, được người dân sản xuất 3 vụ/năm, sản lượng đạt trên 1,8 nghìn tấn/năm. Trong đó, vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có trên 20ha. Địa phương đang hướng tới việc sản xuất và cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
“Để nghề trồng hành, tỏi phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của nhà quản lý, doanh nghiệp trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Từ đó, thu hút được nhiều nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ hành tím bền vững theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”- ông Thính bày tỏ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-dong-vang-tren-cat-trang.html