Cảnh giác cạm bẫy 'sang Hàn Quốc, Israel làm việc lương hàng chục triệu'

Cục Quản lý lao động ngoài nước và các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về các thông tin không chính thống tuyển dụng lao động đi làm việc tại Israel và Hàn Quốc, để người lao động tránh 'tiền mất tật mang'.

Nở rộ chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động

Trao đổi với Báo Xây dựng, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) khẳng định, Bộ chưa có chủ trương cũng như chấp thuận cho bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào tuyển chọn và đưa lao động sang Israel làm việc trong mọi lĩnh vực.

Người dân cần cảnh giác với những lời mời chào xuất khẩu lao động trên không gian mạng. (Ảnh ITN).

Trước đó, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), cũng đã cảnh báo về tình trạng lừa đảo người lao động có nhu cầu làm việc tại Hàn Quốc.

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng mạng xã hội để tung tin sai lệch, mạo danh Trung tâm để tuyển chọn lao động từ các ngành nghề hàn và khuôn mẫu sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS, từ đó thu tiền trái phép.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, các hành vi trên không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người lao động mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.

Theo khảo sát, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện tràn lan các lời mời chào sang Hàn Quốc, Israel làm việc với mức lương hàng chục triệu đồng, trong khi không yêu cầu gì về ngoại ngữ hay kinh nghiệm làm việc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Văn Hóa. Ảnh CA.

Điển hình là vụ việc đối tượng Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Văn Hóa, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng bắt giữ vào ngày 12/5 vừa qua, với hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động.

Dù công ty này không có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Hóa vẫn tuyển dụng và hứa hẹn đưa người lao động phổ thông sang các nông trại ở Úc.

Quá trình điều tra cho thấy, Hóa ủy quyền cho Lê Văn Hùng (SN 1976, trú tại TP.HCM) tiếp nhận hồ sơ và thu tiền, sau đó Hùng cấu kết với Nguyễn Như Pháp ở Bình Thuận để tư vấn và tìm kiếm thêm khách hàng. Pháp tự ý lập "chi nhánh" công ty tại Đà Nẵng, làm giả con dấu, giấy tờ liên quan để chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng từ những người có nhu cầu đi Úc.

Hiện Hóa và Pháp đã bị khởi tố và bắt tạm giam, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và kêu gọi các nạn nhân trình báo.

Liên quan đến hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, đầu năm nay, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã khởi tố bị can Huỳnh Minh Quân (sinh năm 1988, trú tại Cần Thơ, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tư vấn du lịch du học quốc tế T&Q) và Nguyễn Mai Thảo (sinh năm 1988 tại Cần Thơ, quốc tịch Hàn Quốc) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cần kiểm chứng thông tin rõ ràng

Để phòng tránh nguy cơ sập bẫy các đối tượng lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần nhận diện các dấu hiệu đáng ngờ.

Đó là các doanh nghiệp không có tên trong danh sách được Bộ Nội vụ cấp phép, thông tin thiếu minh bạch, tuyển dụng qua các trang mạng xã hội không chính thống, thiếu địa chỉ rõ ràng và chỉ liên lạc trực tuyến.

Ngoài ra, người lao động cần cảnh giác với những lời hứa hẹn về những công việc nhàn hạ với mức lương cao bất thường, không đòi hỏi kỹ năng; hay các thông tin về ngành nghề, điều kiện làm việc và thời hạn hợp đồng thiếu rõ ràng, yêu cầu nộp phí đặt cọc hoặc phí dịch vụ quá cao trước khi có hợp đồng chính thức. Đặc biệt, các hợp đồng lao động thiếu chữ ký, không có dấu pháp nhân hợp lệ.

Trong trường hợp đã lỡ nộp tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng nghi có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần liên hệ ngay với Cục Quản lý lao động ngoài nước qua số điện thoại 0243.8.249.517 (máy lẻ 507, 508, 602, 611) và trình báo cơ quan công an nơi các đối tượng thực hiện hành vi để được hỗ trợ.

Ngoài các kênh thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, người lao động có thể tìm kiếm thông tin tại các doanh nghiệp dịch vụ được Bộ cấp phép, danh sách được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Trước vấn nạn lừa đảo người lao động đi làm việc tại nước ngoài, TS Bùi Sỹ Lợi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội) cho rằng, hiện tượng này không mới, do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tăng cường tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời và liên tục đến người dân.

Theo TS Lợi, cơ quan chức năng cần chỉ rõ các hình thức lừa đảo phổ biến, đặc biệt tại các thị trường chưa có thỏa thuận hợp tác hoặc chưa được cấp phép tuyển dụng. Ví dụ như thông tin rõ ràng về việc Israel hiện chưa có chương trình tuyển dụng chính thức, tránh để người lao động bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ và tư vấn tận tình khi xác nhận hồ sơ, thủ tục cho người lao động, giúp họ đánh giá thấu đáo rủi ro và lợi ích.

"Lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ mong muốn chính đáng nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Đây là một quyết định quan trọng và tốn kém. Do đó, cần đặc biệt thận trọng để tránh mất tiền oan", TS Lợi khuyến cáo.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, 4 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 người (16.152 lao động nữ), đạt 36,8% kế hoạch năm 2025 (kế hoạch là 130.000 lao động).

Các thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản 24.358 lao động, Đài Loan (Trung Quốc 15.537 lao động), Hàn Quốc 4.242 lao động, Trung Quốc 1.005 lao động, Singapore 689 lao động, Rumani 250 lao động và Hungary 437 lao động...

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/canh-giac-cam-bay-sang-han-quoc-israel-lam-viec-luong-hang-chuc-trieu-192250514225221841.htm