Cảnh giác cao trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19
Những thắc mắc về biến chủng mới của COVID-19, có nên tiếp tục tiêm vắc-xin khi có bệnh nền, cách phòng ngừa bệnh khi vui chơi, giải trí dịp lễ... được các bác sĩ, chuyên gia tư vấn thấu đáo tại buổi giao lưu trực tuyến Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn do Báo Người Lao Động tổ chức
Chương trình giao lưu trực tuyến "Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn" được Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25-4 với sự đồng hành của Hệ thống Tiêm chủng VNVC đã nhận được hàng trăm câu hỏi của độc giả. Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng đã giải đáp cặn kẽ, giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng chống COVID-19 trước kỳ nghỉ lễ.
Biến thể của Omicron có nguy hiểm?
Trong hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi đến buổi trực tuyến có rất nhiều người quan tâm đến các biến chủng, biến thể COVID-19, trong đó tại TP HCM vừa ghi nhận 4 biến thể mới của Omicron có nguy hiểm hay không?
Trả lời vấn đề này, TS-BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết các biến thể của SARS-CoV-2 mà TP HCM và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm. Những biến thể phụ này cũng không có gì mới lạ. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.
BS Nghĩa cũng nhận định hiện đang có sự gia tăng số ca mắc COVID-19, tuy nhiên với nền tảng miễn dịch trong cộng đồng do việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 với tỉ lệ rất cao nên khả năng bùng phát dịch lớn rất khó xảy ra và thực tế chúng ta đang kiểm soát được dịch. "Chúng ta cũng đang thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nên việc giãn cách xã hội sẽ khó xảy ra" - BS Nghĩa nhấn mạnh.
BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết biến chủng mới của Omicron cũng như các đợt biến chủng đã xuất hiện, nguy cơ lây nhiễm khá cao. Tuy nhiên, do hầu hết mọi người đã có miễn dịch cộng đồng nên khi mắc bệnh cũng diễn tiến nhẹ và tự khỏi; trừ một số trường hợp đặc biệt như người lớn tuổi, bệnh lý nền, cơ địa đặc biệt, bệnh dễ tiến nặng. Dù bị mắc trước đó nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh 2K (khử khuẩn, khẩu trang) + vắc-xin mũi 3, 4.
Thông tin thêm, ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết các biến thể XBB mới được phát hiện thường sẽ lây lan nhanh nhưng đến thời điểm hiện tại, các quan sát cho thấy mức độ nghiêm trọng đối với trẻ em là không nhiều. Các triệu chứng chủ yếu thường gặp ở trẻ giống như cảm cúm (sốt nhẹ, ho, sổ mũi...); các dấu hiệu như mất vị giác - khứu giác thì không thấy nhiều. Trường hợp trẻ mắc COVID-19 đa phần đều không phải nhập viện, sẽ khỏe lại sau 5-7 ngày.
Sai lầm về COVID-19 trong mùa nóng
Nhiều bạn đọc cho rằng hiện thời tiết tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đang ở đợt nắng nóng cao điểm, do đó virus cũng khó sinh sôi, gây bệnh, BS Nguyễn Thanh Phong khẳng định đúng là nhiệt độ cao virus không thể tồn tại. Tuy nhiên, thời tiết nóng như hiện nay, virus vẫn tồn tại và sẵn sàng gây bệnh. Bằng chứng là những ngày qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ. Do đó, trước tình hình trên, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng chống để hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra bằng biện pháp bảo đảm 2K + vắc-xin.
BS Phong cũng cho biết virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trong môi trường tự nhiên và không thể tự nhân lên mà khi xâm nhập vào đường hô hấp thì virus mới nhân lên. Về kháng thể sau khi mắc COVID-19 và kháng thể sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19, BS Phong lý giải thường sau 6-7 ngày mắc bệnh thì cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể. Kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian (6 tháng). Còn kháng thể sau tiêm vắc-xin, khi tiêm mũi 1 thì cơ thể tạo ra kháng thể nhưng tỉ lệ thấp. Do đó, cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 2, 3) để tăng nồng độ kháng thể. Sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi 3 thì nồng độ kháng thể sẽ suy giảm nên cần tiêm nhắc các mũi kế tiếp theo khuyến cáo.
Giải thích về việc một số người mắc COVID-19 lần 3, triệu chứng rất mệt mỏi, nặng hơn 2 lần đầu, ThS-BS Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi ở người đã từng mắc COVID-19. Một trong những nguyên nhân đó là triệu chứng của "hậu COVID-19" không phải virus biến đổi độc lực.
Trước tình hình số ca mắc có xu hướng tăng trong những ngày gần đây, nhiều bạn đọc phân vân có nên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí dịp lễ, BS Nguyễn Công Khanh cho rằng hiện nay các biện pháp phòng chống dịch bao gồm vắc-xin và 2K vẫn có hiệu quả phòng chống COVID-19. "Nếu mọi người có kế hoạch đi du lịch, nên sử dụng các biện pháp phòng dịch cho cá nhân như khẩu trang, khử khuẩn và hạn chế tiếp xúc đông người nếu không cần thiết" - BS Khanh nói.
Có nên tiêm vắc-xin trước khi đi du lịch?
Đối với trường hợp có dự định đi du lịch nước ngoài, BS Lê Thị Trúc Phương, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết thông thường các quốc gia sẽ có danh sách các loại vắc-xin cần tiêm để chủ động phòng ngừa trước khi du khách đến hoặc bác sĩ sẽ dựa vào tình hình dịch bệnh mà tư vấn loại vắc-xin cần tiêm. Việc tiêm vắc-xin cần có thời gian để sinh kháng thể bảo vệ (2-3 tuần) nhằm phát huy tác dụng. Do đó, nếu dự định đi du lịch vào dịp lễ 30-4 thì cần nhanh chóng đến trung tâm tiêm ngừa để tiêm vắc-xin và kịp thời có kháng thể bảo vệ sớm.
Trường hợp nếu trong quá trình đi du lịch bị mắc COVID-19 sẽ được xử lý như thế nào? Trả lời thắc mắc này, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - thành viên HĐQT, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel - cho biết hiện quy trình về y tế đối với trường hợp trong đoàn có du khách phát sinh cúm hoặc trở thành F0 gồm 4 bước. Bước 1: Tách biệt (cách ly) với đoàn và tiến hành chăm sóc y tế ngay khi phát hiện ca bệnh trong đoàn. Bước 2: Hỗ trợ khai báo với cơ quan chức năng địa phương. Bước 3: Đoàn vẫn sẽ tiếp tục triển khai theo lịch trình, tuy nhiên cần hợp tác để kiểm tra - theo dõi sức khỏe các nhóm khách còn lại cùng tổ phục vụ (tài xế, hướng dẫn viên, phụ xế) và bảo đảm tuân thủ 2K. Bước 4: Xử lý hồ sơ theo quy tắc bảo hiểm...