Cảnh giác lừa đảo cọc tiền cho thuê nhà trọ, phòng trọ trên mạng xã hội
BHG - Hiện nay, nhu cầu về nhà ở tại nhiều thành phố là một trong số những nhu cầu cấp thiết, nhất là đối với những sinh viên đi học, người lao động đi làm. Chính vì vậy, lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã nảy sinh ra nhiều chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên mạng xã hội, trong đó thành phố Hà Giang cũng xuất hiện tình trạng trên.
Ở trên địa bàn thành phố Hà Giang hiện nay có rất nhiều khu nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Với chiêu trò đánh vào tâm lý người cần tìm phòng đẹp và ham giá rẻ, nhiều đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để lừa đảo tiền cọc. Nhiều sinh viên, hoặc người đi làm cần tìm phòng gấp và muốn chốt nhanh vì giá rẻ nên chỉ xem phòng trên mạng nên đã cọc tiền cho các đối tượng lừa đảo. Những đối tượng trên thường đăng ảnh phòng trọ tiện nghi, giá rẻ và không để số điện thoại liên hệ, cách duy nhất để liên hệ với các đối tượng này là nhắn tin, khi nhắn tin luôn hướng người thuê đến việc cọc giữ phòng nếu không sẽ có người khác đặt cọc trước. Chính vì vậy, nhiều người do tâm lý muốn thuê được phòng đẹp mà lại giá rẻ nên đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền cọc cho các đối tượng lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên anh L.Q.A ở Hà Nội, có người bạn sắp tới sẽ lên thành phố Hà Giang làm việc, do chưa có thời gian để lên tìm phòng trọ nên bạn của anh L.Q.A đã chọn cách tham gia vào các hội nhóm cho thuê nhà trọ ở Hà Giang để tiết kiệm thời gian, công sức. Sau khi trao đổi với người đăng bài cho thuê phòng trọ bạn của anh L.Q.A đã chốt thuê phòng trọ dù chưa hề trực tiếp đến xem cũng như trao đổi với chủ phòng trọ. Sau khi chuyển tiền cọc, bạn anh cho rằng mình đã thuê được một căn trọ đầy đủ tiện nghi với giá rẻ bất ngờ như vậy. Nhưng 1 tiếng sau, bạn anh L.Q.A liên hệ lại cho đối tượng cho thuê phòng trọ kia thì đã bị chặn tin nhắn và không có cách nào liên lạc lại được với họ. Đến bây giờ, bạn của anh L.Q.A mới biết mình đã bị lừa. “Xem phòng trọ trên mạng, cọc phòng online, không cam kết, mọi thỏa thuận đều là thỏa thuận qua tin nhắn nên bạn tôi bây giờ không biết kêu ai mà đành ngậm ngùi mất số tiền 500 nghìn đồng đã cọc”, anh L.Q.A chia sẻ về trường hợp của bạn mình .
Tương tự như trường hợp trên, chị N.T.H ở huyện Bắc Quang do bận công việc phải đi làm nên chưa có thời gian để trực tiếp đi tìm nhà trọ để thuê. Không còn cách nào khác là đăng lên nhóm “Cho thuê phòng trọ, nhà trọ Hà Giang” với mong muốn tìm được phòng ưng ý. Ngay sau đó, chị H đã nhận được tin nhắn của một người lạ và có gửi ảnh nhà trọ và địa chỉ nhưng không có số điện thoại qua tin nhắn Facebook cho chị H. Sau một hồi trao đổi qua tin nhắn thì với những chiêu trò dụ dỗ đánh vào tâm lý người có nhu cầu cần thuê nhà trọ nhanh, giá rẻ và tiện nghi thì chị H đã đồng ý chuyển tiền cọc 600 nghìn đồng cho đối tượng lừa đảo trên. Chị N.T.H chia sẻ “Mình thấy giá rẻ, ảnh họ chụp cũng thấy giống thật và thấy phòng sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, giá lại chỉ 1,5 – 1,8 triệu đồng, mức giá này khá rẻ so với giá thị trường. Thấy đây là cơ hội không thể bở lỡ, nên mình đã lỡ tin tưởng và chuyển tiền cọc cho họ”.
Được biết, tình trạng lừa đảo tiền cọc phòng trọ tại các thành phố lớn không hiếm gặp. Tuy nhiên tại Hà Giang đây là hành vi lửa đảo khá mới mẻ. Chính vì vậy, để tránh bị lừa đảo cần phải xác minh thông tin chính xác trước khi bỏ tiền đặt cọc.
Theo anh Nguyễn Đức Mạnh, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang), khi tìm phòng trọ trên mạng cần hẹn lịch qua kiểm tra phòng trọ và làm việc với chủ trọ trực tiếp. Nếu có thể nên đi với người quen có kinh nghiệm thuê phòng trọ để tránh tình trạng bị lừa, ép cọc. Đặc biệt, khi đi xem trực tiếp nên hỏi thông tin đầy đủ về các giấy tờ từ chủ nhà. Có thể yêu cầu chủ nhà cho xem giấy tờ chứng minh thư, căn cước công dân và giấy tờ về sở hữu nhà trọ. Không nên bị giá rẻ che mắt mà vội vã làm việc qua hình thức online, anh Mạnh cho biết thêm.
Bà Hứa Thị Thu Giang, chủ một nhà trọ cho thuê ở Trần Phú (TP Hà Giang) chia sẻ: “Nhà tôi khi có trống phòng cũng đăng lên mạng để mọi người biết, nếu ai có nhu cầu thuê phòng trọ thì tôi hẹn qua điện thoại đến tận nơi xem và trao đổi trực tiếp chứ không làm việc qua mạng để tránh trường hợp xảy ra những trường hợp lừa đảo ngoài ý muốn”.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với số tiền lừa cọc của các đối tượng giao động từ khoảng 500.000 đồng đến vài triệu đồng thì hình phạt sẽ là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng trên, bản thân mỗi người khi có nhu cầu tìm thuê nhà trọ, phòng trọ cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đặc biệt, khi thuê nhà trọ thì cần kiểm tra rõ các thông tin về nhà trọ thông qua nhiều nguồn khác nhau để xác thực cho chính xác.