Cảnh giác sạt lở đất, đá khi qua tuyến đường quốc phòng ven biển Hà Tĩnh
Trong khi số đất, đá của những vụ sạt lở trước chưa được dời dọn, trên vách núi cao dọc tuyến đường quốc phòng ven biển Hà Tĩnh vẫn còn hàng trăm khối đất, đá đang nằm cheo leo và chực chờ đổ ập xuống đường.
Video: Hiện trạng sạt lở gây khó khăn khi lưu thông trên tuyến đường quốc phòng ven biển.
Cách đây 3 ngày, khi đang điều khiển xe máy lưu thông trên tuyến đường quốc phòng ven biển thuộc địa phận xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), bà Trần Thị Thiệu ở thôn 1 (Cẩm Lĩnh) suýt bị té ngã khi phương tiện trầy bánh do mặt đường trơn trượt. Đây là hậu quả do vụ sạt lở khiến đất tràn xuống mặt đường nhưng chưa được dời dọn.
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào cuối tháng 9, trên tuyến đường quốc phòng ven biển đoạn qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh đã xảy ra 3 điểm sạt lở mái taluy dương khiến hàng trăm khối đất tràn xuống và kết hợp với nước mưa dẫn tới mặt đường bị lầy lội, trơn trượt.
Trong 3 địa điểm bị sạt lở, có 2 địa điểm ảnh hưởng lớn đến giao thông, các phương tiện như: xe đạp, xe máy và ô tô con loại 4 chỗ (xe gầm thấp) gần như không thể di chuyển. Trường hợp muốn di chuyển phải rất cẩn thận nếu như không muốn bị “mắc kẹt” giữa đất sình lầy.
Ngoài 3 vị trí bị sạt lở mái taluy dương, trên tuyến đường quốc phòng ven biển đoạn qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh còn có thêm 1 điểm mái taluy âm bị sụt lún khiến bờ kè bằng đá hộc và bê tông gãy vỡ, tạo nên hố sâu nguy hiểm. Đây cũng là hậu quả do đợt mưa lớn vào cuối tháng 9 gây ra.
Tuy nhiên, khác với 3 địa điểm sạt lở mái taluy dương, điểm mái taluy âm bị sụt lún đã được chính quyền địa phương gia cố tạm thời bằng đắp đất, ngăn chặn điểm sạt lở lan rộng.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Văn Hà cho hay: Ngay khi ghi nhận các điểm sạt lở đất ảnh hưởng tới giao thông trên tuyến đường quốc phòng ven biển, địa phương đã dựng các biển cảnh báo ở 2 đầu của vị trí sạt lở để ngăn người dân di chuyển qua lại. Trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở nếu không tính toán cẩn thận nên chưa thể huy động máy móc, nhân lực dời dọn số đất tràn xuống tuyến đường quốc phòng ven biển.
Theo tìm hiểu, tuyến đường liên huyện Cẩm Xuyên – Kỳ Anh đoạn Cẩm Lĩnh – Kỳ Xuân (còn gọi là đường quốc phòng ven biển) dài 11,4km, được đưa vào sử dụng từ năm 2016 đã tạo thuận lợi trong giao thông, phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra kiểm soát ven biển và có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Những năm trước đây, khi chưa có tuyến đường ven biển Hà Tĩnh (tỉnh lộ 547), lưu lượng người và phương tiện di chuyển trên đường quốc phòng ven biển khá đông khi dọc tuyến giao thông này có khu du lịch và các nhà hàng kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường ven biển Hà Tĩnh hoàn thành, đưa vào khai thác, số phương tiện lưu thông trên đường quốc phòng ven biển thưa dần.
Do đặc thù bao quanh tuyến đường quốc phòng ven biển là đồi núi với địa chất đất rời rạc xen lẫn nhiều tảng đá mồ côi lớn nên hằng năm, cứ vào mùa mưa bão là lại xảy ra các vụ sạt lở khiến hàng trăm khối đất, đá, từ trên núi tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương nhiều lần huy động máy móc tới hốt dọn số đất, đá bị lở. Tuy nhiên, do chưa có phương án tối ưu (xây tường chắn) bởi nguồn kinh phí lớn, tình trạng sạt lở vẫn cứ xảy ra.
Trong khi số đất, đá của những vụ sạt lở trước chưa được dời dọn, trên vách núi cao dọc tuyến đường quốc phòng ven biển vẫn còn hàng trăm khối đất, đá đang nằm cheo leo và chực chờ đổ ập xuống đường bất cứ lúc nào. Cùng với tình trạng sạt lở, những năm qua, công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường quốc phòng ven biển qua xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) gần như cũng bị “ngó lơ”.
Điều dễ nhận thấy khi di chuyển trên tuyến đường quốc phòng ven biển là tình trạng mặt đường bị bong tróc, gồ ghề; hệ thống mương thoát nước bị đất, cát, bồi lấp khiến nước chảy lênh láng trên đường; các cọc tiêu, biển báo giao thông dọc tuyến bị hư hỏng, xuống cấp, phai màu và gần như không còn tác dụng nhưng cũng không được sửa chữa, thay thế.
Bên cạnh đó, một số hộ dân trồng keo, tràm sát tuyến đường gây ảnh hưởng tới tầm quan sát của người đi đường. Vào mùa mưa bão, trường hợp cây cối bị gãy, đổ cũng khiến giao thông bị ách tắc. Dọc tuyến đường có nhiều cây dại mọc um tùm, tràn ra khiến lòng đường bị thu hẹp...
Hiện nay, dù số lượng người đi lại đã giảm do có Quốc lộ ven biển nhưng dọc tuyến giao thông này vẫn còn nhiều quán hàng, khu du lịch nên khi đường hư hỏng, xuống cấp và bị sạt lở vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, các cấp chính quyền, đơn vị chức năng cần có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.