Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử
Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, là kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích đem lại thì ngày càng xuất hiện nhiều hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các sàn thương mại điện tử.
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo qua thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, với số tiền thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là lập tài khoản mạng xã hội giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, dụ nạn nhân qua việc nhận quà tặng miễn phí, mua hàng giá rẻ... Khi nạn nhân đã thực hiện những giao dịch lên đến cả trăm triệu đồng thì nhóm lừa đảo cắt đứt liên lạc.
Là nạn nhân của hình thức lừa đảo nêu trên, chị N.T.L (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Vừa qua, tôi nhận được tin nhắn qua Facebook của một người chào bán các sản phẩm của các thương hiệu lớn. Người này gửi đường dẫn (link) đến một trang thương mại điện tử và cho biết các sản phẩm trên gian hàng trực tuyến thường có mức giá cao hơn nhiều, vì phải mất phí hoa hồng, phải đóng thuế… Nếu mua qua tin nhắn, chuyển khoản thì giá sẽ rẻ hơn 1/3 so với giá niêm yết. Tin lời, tôi đặt mua một đơn hàng có giá trị lớn, tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện ra đó chỉ là hàng giả, kém chất lượng. Liên lạc qua tài khoản bán hàng thì đã bị chặn liên lạc”.
Hiện nay, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng cao. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), để cảnh báo người dân và doanh nghiệp tránh rơi vào bẫy lừa đảo, Cục đã liên tục đưa ra cảnh báo về các phương thức mà những đối tượng sử dụng.
Theo đó, một số thủ đoạn điển hình mà kẻ xấu sử dụng là xây dựng trang web, sàn giao dịch sàn thương mại điện tử... nhằm kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu. Các đối tượng cũng giả mạo các trang thương mại điện tử lớn để lừa nạn nhân làm cộng tác viên bán hàng online, mua hàng giá rẻ, trúng thưởng... sau đó, sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để lừa đảo.
Theo bà Hoàng Chi, giám đốc một công ty là đại lý phân phối của một số thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản tại Hà Nội, nhiều trang thương mại điện tử đăng bán sản phẩm mỹ phẩm của những thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ bất ngờ. Cùng một sản phẩm chúng tôi nhập về, có khi giá ở những gian hàng này chỉ bằng 1/3. Đây rất có thể là các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Nếu sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, khách hàng không những mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị các phản ứng trên da như nóng rát dưới da, nổi mụn trứng cá, nám... Dùng trong thời gian dài có thể kéo theo nhiều bệnh lý về da nguy hại cho sức khỏe.
Chủ một thương hiệu yến sào tại Hà Nội cho biết: Tôi phát hiện không ít gian hàng thương mại điện tử đăng bán các sản phẩm được giới thiệu là yến sào Khánh Hòa, Phú Yên... được niêm yết mức giá rẻ khó tin. Những sản phẩm này có thể là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bán yến sào giá rẻ, kém chất lượng không chỉ là hành vi lừa đảo mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Đại úy Phạm Khánh Hòa, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an): Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó có hình thức lừa đảo giả mạo các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vì thiếu cảnh giác, không ít người vẫn mắc bẫy.
Công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua sàn thương mại điện tử thường gặp khó khăn do người bị hại thường e ngại tố giác tội phạm hoặc khó cung cấp chứng cứ vi phạm tội của đối tượng. Chưa kể, các đối tượng thường dùng sim rác gọi điện, nhắn tin, đăng ký tài khoản mạng xã hội khi phạm tội.
Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn thông báo được nhận quà tặng trúng thưởng hoặc tuyển cộng tác viên việc nhẹ lương cao... Nếu muốn tìm hiểu, có thể gọi điện thoại trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để xác minh thông tin.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nghi vấn lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.