Cảnh giác thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường tết
Càng đến gần Tết Nguyên đán Quý Mão thì số vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, bị phát hiện, bắt giữ càng nhiều.
Lợi dụng lúc nhu cầu tiêu thụ thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, bia, rượu… đang tăng cao, các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ra sức “nước đục thả câu”, trà trộn, len lỏi vào thị trường tết. Còn nhớ cách đây vài năm, ngay trước Tết Nguyên đán, dư luận đã rất hoang mang khi lực lượng cảnh sát môi trường ở Bình Thuận bắt quả tang hàng loạt cơ sở “phù phép” biến thịt heo nái, thịt trâu đã phân hủy, chảy nước, bốc mùi hôi thối (mua trôi nổi từ các tỉnh khác về) thành thịt heo rừng, thịt bò mới giết mổ đưa ra thị trường. Với thủ thuật chế biến cộng với nhiều loại hóa chất độc hại, hàng tấn thịt bẩn ấy nếu không bị phát hiện sẽ biến thành món ăn tươi ngon trên mâm cơm ngày tết của biết bao gia đình, hủy hoại sức khỏe của biết bao người.
Ngoài thịt bẩn, thịt gia súc, gia cầm trôi nổi, đang tuồn vào thị trường tết, cơ quan chức năng còn cảnh báo vào dịp tết nhất thị trường quà biếu, tặng rất sôi động, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Như sử dụng thực phẩm chế biến sẵn bánh, mứt, kẹo đã quá đát, rồi đóng nhãn mác mới tung ra thị trường. Hay thực phẩm đã quá hạn, ôi thiu, được tích trữ trong các kho lạnh, nay tung ra thị trường vào dịp tết.
Trước tình hình ấy, để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, như mọi năm Bộ Y tế vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh - thành trọng điểm trên cả nước. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh tới xã - phường. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống đường phố, kể cả các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Ở Bình Thuận, ngành chức năng cũng sẽ ra quân cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp, chợ lớn nhỏ, tập trung vào các loại hàng hóa như thịt, cá, chả, giò, nem, rau, quả…
Nhưng đúng là “kiểm tra không xuể” khi trên thực tế thì thực phẩm bẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu: chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, chợ cóc… Thời điểm cận tết thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, người lao động ở các khu công nghiệp. Mà công nhân, người lao động thì không phải ai cũng có tiền để “thông thái” chọn mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là năm nay lương, thưởng teo tóp vì “bão giá”, cuối năm lại mất việc làm. Nên nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Bây giờ ra chợ không biết mua gì, không ăn cũng chết, mà ăn vào cũng sợ chết dần chết mòn”. Hay đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh chua chát: “Đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.
Dẫu sao thì để tránh bị phải đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm trong mấy ngày tết, ai cũng cần cảnh giác, không nên ham rẻ mà “rước họa vào thân”.