Cảnh giác trước thông tin của các chuyên gia 'rởm' về điều trị trẻ tự kỷ
Sau khi VietTimes đăng bài 'Trẻ mắc tự kỷ gia tăng: Những điều phụ huynh cần biết để phát hiện, điều trị sớm', bạn đọc đã gửi thư phản ánh về tình trạng xuất hiện những hướng dẫn chữa tự kỷ phản khoa học trên mạng, nhằm mục đích bán hàng.
Những thông tin phản khoa học
Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số hội, nhóm phụ huynh hoặc tự xưng là chuyên gia về tự kỷ. Có người mạo danh là bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương. Có người là bác sĩ nhưng lại không được đào tạo về chuyên khoa tâm thần, nhưng vẫn tư vấn.
Có người xưng là bác sĩ H. ở Hưng Yên khẳng định tự kỷ có 2 loại là tự kỷ bẩm sinh và tự kỷ không điển hình và hướng dẫn phụ huynh chữa trị tự kỷ cho trẻ bằng cách cho đi bộ chân trần 1-2 tiếng/ngày vì “tương đương can thiệp cá nhân 1-2 giờ”.
Nhiều phụ huynh truyền nhau “kinh nghiệm” cắt thắng lưỡi cho trẻ tự kỷ để nói được, vì trẻ chậm nói là do dính thắng lưỡi. Rồi truyền cả “mẹo” chữa chậm nói ở trẻ tự kỷ bằng cách...đi giật đồ ngoài chợ, hoặc lấy trộm kẹo từ đám hỏi.
Một người tên H. tự xưng là “chuyên gia tự kỷ” còn khuyên cha mẹ các bé tự kỷ không cho con ăn thịt đỏ, không dùng sữa bò, mà sử dụng sữa hạt. Dĩ nhiên, phía dưới bài viết của “chuyên gia” này là địa chỉ bán sữa hạt.
Bác sĩ lên tiếng
Trước những thông tin lan truyền trong các hội nhóm liên quan đến trẻ tự kỷ, BSNT. Nguyễn Minh Quyết (Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định: Việc cắt cắt thắng lưỡi để điều trị trẻ tự kỷ chậm nói là sai hoàn toàn. Dính thắng lưỡi hay không, phải do các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khám và tư vấn, điều trị, chứ không phải trẻ tự kỷ chậm nói cắt thắng lưỡi mà nói được.
BS. Quyết cho biết thêm đã có rất nhiều bệnh nhi sau khi cắt thắng lưỡi vẫn không nói được, đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
BSCKI. Nguyễn Thế Dũng, Trưởng Khoa Chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cũng khẳng định việc cắt thắng lưỡi không phải là phương pháp điều trị chậm nói ở trẻ tự kỷ. Nếu trẻ có tật ở thắng lưỡi, cũng phải do các sĩ chuyên khoa khám và chỉ định.
Về việc cho trẻ tự kỷ bỏ sữa bò để dùng sữa hạt, BS. Quyết khẳng định: Sữa hạt không thể thay thế được sữa bò và chỉ dùng dưới dạng bổ sung. Vì thế, cha mẹ của trẻ tự kỷ nên sử dụng sữa bò là một nguồn cung cấp năng lượng cho con, có thể lựa chọn sữa ít hoặc không đường.
BS. Quyết cũng lưu ý rằng, việc tư vấn không cho trẻ tự kỷ ăn thịt đỏ là sai, mà trẻ nên ăn đa dạng các thực phẩm để đảm bảo đủ dưỡng chất cho sự tăng trưởng và phát triển. Việc vận động là tốt cho các con nhưng phải đảm bảo an toàn, có cơ sở khoa học cho trẻ chứ không phải đi bộ bất chấp, như quan điểm của vị bác sĩ ở Hưng Yên.
Về thông tin cho rằng mọi trẻ tự kỷ đều đi học lớp 1 khi 6 tuổi, BSNT. Nguyễn Minh Quyết cho biết các bé sẽ được học chuyển tiếp vào lớp 1 khi đạt được các mốc phát triển và các kỹ năng nhất định. Cha mẹ nên có tư vấn từ các nhà chuyên môn để có quyết định cho con học chuyển tiếp phù hợp.
Cũng theo BS. Quyết, “mẹo” cho con đi giật đồ ngoài chợ hoặc lấy trộm kẹo từ đám hỏi để trẻ nhanh biết nói là không có cơ sở.
Cần cảnh giác trước thông tin trên mạng
Đặc biệt, BS. Quyết khuyến cáo: Trên mạng xã hội, nhiều nhà chuyên môn, phụ huynh và cả những người không có chuyên môn về sức khỏe tâm thần, cũng xây kênh để chia sẻ về hành trình dạy trẻ tự kỷ. Nếu các phụ huynh chỉ chia sẻ về hành trình cùng trẻ tự kỷ cùng với các thông tin đúng thì tốt cho cộng đồng. Nhưng có những kênh xây hướng đến mục đích chữa lành, ăn thuần chay…rồi dẫn dắt đến các khóa học và bán thực phẩm chức năng.
Có phụ huynh có con tự kỷ sẵn sàng đưa hình con lên kênh Tik Tok để tôn vinh thực phẩm chức năng mà phủ nhận các loại thuốc. Rồi còn khuyên các phụ huynh cứ ra trung tâm test và cuối cùng là dẫn dắt phụ huynh đến một viện tâm lý giáo dục.
“Đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế là rất quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi trẻ. Bởi bác sĩ vẫn là trưởng nhóm trong nhóm chẩn đoán và can thiệp trẻ, gồm cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà âm ngữ trị liệu, nhà hoạt động trị liệu…”, BS. Quyết nhấn mạnh.
Khuyến cáo của Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương
Sự thiếu hiểu biết về tự kỷ khiến cho trẻ tự kỷ không được phát hiện, can thiệp sớm và khó khăn hơn trong quá trình hòa nhập với cộng đồng. Vì thế, cần nhận diện những quan điểm sai lầm để thấu hiểu, yêu thương, hạn chế sự kỳ thị và áp lực với trẻ tự kỷ.
Lầm tưởng tự kỷ là một bệnh
Sự thật: Tự kỷ là rối loạn, không phải là bệnh, không lây truyền. Khi nghĩ tự kỷ là bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn.
Lầm tưởng trẻ tự kỷ đều có biểu hiện giống nhau
Sự thật: Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ thường khó khăn trong giao tiếp, các hành vi bị hạn chế và lặp đi lặp lại, nhưng các trẻ tự kỷ khác nhau về triệu chứng xuất hiện, tính chất nghiêm trọng cũng khác nhau.
Lầm tưởng tất cả trẻ tự kỷ đều có trí tuệ kém
Sự thật: Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khoảng 31% người tự kỷ bị thiểu năng trí tuệ; số còn lại ở mức bình thường hoặc trên mức bình thường. Một vài trẻ tự kỷ có thể vượt trội ở một số lĩnh vực như âm nhạc, toán học, văn học, vật lý. Vì vậy, không phải cứ trẻ tự kỷ là khả năng phát triển trí tuệ kém.
Lầm tưởng tất cả trẻ tự kỷ đều có một kỹ năng đặc biệt, xuất sắc
Sự thật: Một số trẻ tự kỷ có kỹ năng “bác học”, là có khả năng thiên bẩm về trí nhớ, nghệ thuật hoặc tính toán nhanh. Tuy nhiên, chỉ một số rất ít trẻ tự kỷ có đặc tính này.
Lầm tưởng trẻ tự kỷ sẽ không giao tiếp với ai
Sự thật: Các trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp và phản hồi lại những ý định cũng như cảm xúc của người khác, chứ không phải trẻ không giao tiếp được.
Lầm tưởng trẻ mắc tự kỷ hung dữ hơn các bạn cùng lứa
Sự thật: Những hành vi thách thức đó thường liên quan đến việc thiếu các kỹ năng thay thế, điều chỉnh cảm xúc hoặc nhu cầu giao tiếp, nhưng không phải với tất cả các trẻ tự kỷ. Rất hiếm khi trẻ tự kỷ cố tình gây tổn hại cho người khác.
Lầm tưởng tất cả trẻ tự kỷ đều thích ở một mình
Sự thật: Trẻ tự kỷ không chơi, không giao tiếp với những đứa trẻ khác không phải vì chúng “không muốn”, mà vì chúng “không biết làm thế nào để chơi cùng”.
Lầm tưởng trẻ tự kỷ không biết yêu thương
Sự thật: Trẻ tự kỷ có thể đủ nhạy cảm để cảm nhận được tình yêu người khác dành cho mình. Tuy nhiên một số trẻ tự kỷ thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, hoặc gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc, nên người khác tưởng chúng không biết yêu thương.
Lầm tưởng trẻ tự kỷ không trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc
Sự thật: Trẻ tự kỷ trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Mặc dù chúng có thể gặp khó khăn trong thể hiện cảm xúc hoặc thể hiện cảm xúc theo cách khác nhau.
Lầm tưởng nguyên nhân tự kỷ là do cha mẹ không biết cách nuôi dạy con cái
Sự thật: Cha mẹ ít quan tâm, gần gũi, không nói chuyện với trẻ là những yếu tố có thể làm cho tình trạng tự kỷ trở nên nặng hơn, nhưng không phải căn nguyên gây ra tự kỷ. Các chuyên gia cho rằng, khoảng 80% nguy cơ mắc chứng tự kỷ liên quan đến di truyền.
Lầm tưởng tự kỷ có thể chữa khỏi
Sự thật: Chưa có phương pháp chữa khỏi tự kỷ, nhưng thông qua sự can thiệp thích hợp, trẻ có thể tiếp thu được những kỹ năng cần thiết để hòa nhập, có một cuộc sống thành công.