Cảnh giác trước thông tin xuyên tạc sự thật về việc điều chỉnh giá điện
Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đang lợi dụng việc Chính phủ điều hành điều chỉnh giá điện để bóp méo, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất sự việc.
Dự thảo mới về quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24) về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương soạn thảo trình mới đây có nhiều điểm mới. Lợi dụng việc này, một bộ phận thù địch và cơ hội chính trị đã liên tục đăng tải bài viết nhằm bóp méo, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất sự việc. Người dân và bạn đọc cần cảnh giác, sàng lọc kỹ các thông tin tiếp nhận, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, xấu độc.
Theo đó, tờ trình được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đưa ra có nhiều điểm mới, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, dự thảo đưa ra thẩm quyền điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nới rộng trong biên độ 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần (quy định hiện hành là 6 tháng/lần). Quy định này nhằm giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.
EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện nay, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan…
Tuy nhiên, bằng lăng kính méo mó và mưu đồ đen tối, trang mạng xã hội “Việt Tân” lại cho rằng Bộ Công Thương tự cho mình quyền cho phép EVN điều chỉnh giá điện tăng theo chu kỳ, cố tình báo lỗ để tăng giá điện và bịa đặt thông tin về tham nhũng… Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, thể hiện âm mưu cố tình thông tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận.
Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng những điểm mới trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng Chính Phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đưa ra như: Thẩm quyền điều chỉnh giá điện của EVN được nới rộng hơn lên tới 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô… để tạo ra viễn cảnh mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và người dân có thể bị EVN tự quyền móc túi 20%/năm, chụp mũ đây là hành động “cướp” tiền của dân...
Âm mưu thật sự của chúng là kích động lôi kéo một bộ phận thiếu hiểu biết công kích Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Chính phủ để đả kích chế độ phục vụ âm mưu chống phá nhà nước ta.
Nếu so với Philippines, Indonesia là những nước có thu nhập bình quân đầu người tương đồng với Việt Nam thì giá điện của Việt Nam dễ chịu hơn hẳn và giá tiêu dùng ổn định dù lạm phát, giá nguyên liệu tăng qua các năm. Tháng 5/2023, Việt Nam tăng giá điện 3% thì chưa bằng số lẻ của Thái Lan (tăng từ 25 – 30%), còn so với thế giới thì giá điện tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
Đơn cử, với nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho ngành điện là đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển đã được EVN thực hiện với 99,53% số hộ dân nông thôn có điện. Mặc dù, với giá thành sản xuất điện năng phục vụ cho đồng bào ở những khu vực này lên đến 7.000 đồng/kWh, nhưng EVN bán ra ở mức 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) thì vấn đề bù lỗ là hiển hiện và không phải bàn cãi.
Cùng với đó, tổn thất điện năng ở những khu vực này cũng khá lớn do đường dây điện quá dài… Ví như để đưa điện vào bản Huổi Pha, Huổi Lá ở xã Nậm Hăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), công nhân ngành điện đã phải kéo đường điện dài khoảng 140km, tính từ trung tâm huyện vượt qua không biết bao nhiêu núi cao, vực sâu, suối dữ… chỉ vì mục đích mang ánh điện phục vụ cho vài chục hộ dân nơi đây, với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều nỗ lực để kéo điện đường dài từ vùng cao Tây Bắc đến buôn làng xa xôi ở Tây Nguyên… với mục tiêu để nhân dân trên mọi miền đều có điện sử dụng sinh hoạt, phát triển kinh tế. Nếu chỉ vì mục tiêu tăng giá điện để lấy tiền của dân thì sẽ không có những câu chuyện đầu tư cơ sở để kéo đường điện dài hàng trăm km băng qua đồi núi chỉ để “bán điện” cho vài chục hộ dân như trên.
Có thể nói, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về điện, nhất là giá bán lẻ điện là cần thiết và phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu, trong đó có nhiều lý do như: Thứ nhất chủ trương điều hành giá điện nói riêng và năng lượng nói chung theo cơ chế thị trường đã được đặt ra từ hơn 10 năm nay. Có nghĩa là phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá điện;
Thứ hai, giá điện không phản ánh đúng yếu tố thị trường sẽ gây thiệt hại và để lại hệ lụy lớn cho nền kinh tế xã hội và môi trường, vừa lãng phí tài nguyên, vừa ảnh hưởng thu hút đầu tư vào ngành điện cũng như các ngành khác. Giá điện rẻ tạo cơ hội cho các công nghệ cũ kỹ lạc hậu tuồn vào Việt Nam; giá điện rẻ không tạo cho người dân, doanh nghiệp nâng cao được ý thức, hành động tiêu dùng điện; không khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn, lưới điện….qua đó tạo áp lực cho nhà nước trong bối cảnh nguồn ngân sách còn gặp khó khăn.
Trên thực tế theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã cho phép điều chỉnh giá (tăng hoặc giảm) 6 tháng 1 lần tuy nhiên kể từ 2017 đến năm 2023, đã không điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Năm 2023 có điều chỉnh nhưng vẫn ở mức nhỏ, chưa phản ánh đúng quy luật thị trường. nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời là một minh chứng cho chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, nhân văn. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 đã được tính toán kỹ lưỡng, không tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp; các đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, gia đình chính sách...vẫn được Nhà nước hỗ trợ tiền điện.
Trong khi đó, giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện như than, dầu, khí, nhân công…đã liên tục tăng hàng năm. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có năng lượng đã làm giá năng lượng tăng cao trên 2 thậm chí 3 con số vì nguồn than, dầu khí, Việt Nam phải nhập khẩu theo giá thị trường thế giới. (Chỉ tính riêng năm 2023, giá than tăng 29 - 46% so với mức áp dụng năm 2021. Giá dầu cũng tăng khoảng 18% so với năm 2021; tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh gần 4% ). Bên cạnh đó là các yếu tố thời tiết, hạn hán cũng đã gây ảnh hưởng to lớn đến nguồn điện sản xuất từ thủy điện (giá rẻ). Đây là một thực tế ai cũng có thể nhìn thấy và không thể phủ nhận.
Theo công bố của EVN, trong cơ cấu giá thành hiện nay, chi phí mua điện chiếm 83% chi phí giá thành của ngành điện. Gần 17% còn lại là chi phí của khâu truyền tải, phân phối.
Chúng ta đều biết, giá bán sản phẩm dịch vụ bằng chi phí + lợi nhuận thì người sản xuất, người bán (doanh nghiệp) mới có lãi. Như vậy, giá bán điện dưới chi phí sản xuất thì ngành điện bị lỗ là đương nhiên. Đó là chưa kể ngành điện đang thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội khác theo chỉ đạo của Trung ương, cụ thể là đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội khác; giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp trong đợt đại dịch Covid-19… như đã nêu ở trên.
Dù xuất hiện ở thời điểm nào, với sự kiện nào, điểm chung các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch như “Việt Tân” là thêm thắt, đánh tráo khái niệm về những sự kiện, sự việc xảy ra tại đất nước ta, đặc biệt là những sự việc đang được dư luận quan tâm. Từ đó bóp méo, xuyên tạc, bôi đen sự thật, làm cho các vấn đề trở nên phức tạp, gây nhiễu thông tin và có thể kích động, đẩy tới rối loạn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phủ nhận những nỗ lực, công lao của Đảng, Chính phủ, nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, người dân cần cẩn trọng trước thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, nội dung không rõ ràng, không được kiểm chứng của các thế lực xấu như "Việt Tân".