Cảnh giác vắt chui vào mũi do tắm, uống nước khe suối

Mùa hè, thời tiết nóng bức, nhiều người dân có thói quen tắm, uống nước từ các khe suối. Không ít trường hợp đã bị vắt chui vào mũi ký sinh gây ngạt mũi, chảy máu mũi.

Mới đầu mùa hè nhưng tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đã can thiệp cấp cứu, nội soi lấy dị vật cho 2 bệnh nhi bị vắt chui vào mũi, sống ký sinh gần 1 tháng.
Cháu P.N.B.A 7 tuổi, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy được gia đình cho đi tắm suối. Về nhà, cháu A. thường xuyên bị chảy máu mũi, ngạt mũi, gia đình đã đưa đến khám ở phòng khám tư và được kê đơn dùng thuốc nhưng không đỡ. Đến khi bệnh nhi thấy đau và chảy máu mũi nhiều hơn nên gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy để khám. Qua thăm khám và nội soi, các bác sỹ phát hiện trong hốc mũi bệnh nhi có một con vắt còn sống, dài khoảng 5 cm và tiến hành gắp con vắt này ra.Trường hợp khác là bệnh nhi Lê Thiên A., 4 tuổi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn thường xuyên sử dụng nước suối dẫn thẳng từ khe núi về để tắm hàng ngày. Khi xuất hiện tình trạng đau, ngạt mũi, chảy nước mũi, bé A. được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn để khám, phát hiện dị vật trong hốc mũi là con vắt còn sống, dài 5cm.Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi mùa hè, các cơ sở điều trị từ 5-10 trường hợp vắt, đỉa sống ký sinh trong cơ thể. Phần lớn ca bệnh vắt suối bám, sống được ở bộ phận của hệ hô hấp.Biểu hiện thường thấy của người bệnh là cảm giác nhột trong lỗ mũi, nghẹt mũi, đa số bị một bên, chảy máu mũi. Các triệu chứng này dễ nhầm với viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Nếu không nội soi rất khó phát hiện vắt trong mũi. Đa số người bệnh bị vắt chui vào mũi khi tiếp xúc với môi trường sông nước, khe, suối.Trong môi trường nước vắt rất nhỏ, chỉ bằng sợi chỉ nên rất khó phát hiện, nhưng sau một thời gian ký sinh, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh khác nhau. Các bác sĩ cho biết vắt nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi. Nguy hiểm nhất nếu vắt ký sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, người dân cần chú ý khi sử dụng nước trong khe suối, hạn chế tắm ở khe suối, không nên uống nước khe, suối khi chưa được đun sôi. Khi có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra kịp thời. Tuyệt đối không tự lấy dị vật ra vì có thể sẽ làm dị vật đi sâu hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc vô tình làm tổn thương niêm mạc đường thở.

Hiền Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202106/canh-giac-vat-chui-vao-mui-do-tam-uong-nuoc-khe-suoi-177479