Cảnh giác với bệnh tay - chân - miệng nặng

Tại tỉnh Cà Mau đã xuất hiện chủng vi rút Enterovirus 71 (EV71), là chủng gây bệnh tay - chân - miệng (TCM) nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Gần đây, số ca mắc bệnh TCM liên tục tăng và số ca bệnh nặng nhập viện điều trị cũng tăng.

Số liệu ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.100 ca mắc bệnh TCM, tăng hơn 69% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1 ca tử vong. Ðặc biệt, từ tháng 9/2023 đến nay, số ca mắc liên tục tăng, cao điểm có tuần ghi nhận hơn 230 ca, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát trong cộng đồng.

Trẻ mắc bệnh TCM nặng điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Trẻ mắc bệnh TCM nặng điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, bệnh nhân TCM đến khám và nhập viện điều trị tăng so với mọi năm. Gần đây mỗi ngày có từ 120-150 ca bệnh TCM điều trị, số ca mắc bệnh TCM nặng phải cấp cứu và hồi sức tích cực cũng tăng lên.

Bác sĩ Huỳnh Thúy Hằng, Trưởng khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Trẻ mắc bệnh TCM với chủng vi rút EV71 thì hồng ban, bóng nước ít hơn so với bệnh TCM chủng vi rút khác, do đó rất khó chẩn đoán. Trẻ mắc bệnh sẽ có biến chứng thần kinh, tim mạch và hô hấp nguy hiểm. Khi trẻ sốt trên 39 độ hoặc sau 2 ngày mà không hết sốt, bé ngủ giật mình, run tay chân, nôn, ói... phải nhập viện ngay”.

Hồng ban trên tay trẻ mắc bệnh TCM.

Hồng ban trên tay trẻ mắc bệnh TCM.

Hiện nay, ngành y tế tăng cường giám sát và phối hợp chặt chẽ với các điểm trường đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch. Bà Nguyễn Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trường phát hiện 2 trẻ mắc bệnh TCM, trường đã phối hợp cách ly, điều trị kịp thời, không để lây lan cho trẻ khác”.

Ngành y tế còn giám sát ngoài cộng đồng, hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn kiến thức chuyên môn, hướng dẫn giám sát ca bệnh tại cộng đồng và cập nhật kiến thức về điều trị bệnh TCM, qua đó giúp các địa phương kiểm soát dịch bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.

Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt là những ổ dịch cũ để phát hiện và xử lý ngay từ những ca đầu tiên; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân tiếp cận thông tin và chủ động phòng bệnh. Ðể phòng bệnh TCM hiệu quả, cần có sự phối hợp của ngành giáo dục, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh trong trường học, vì đây là nơi có thể lây lan dịch bệnh”.

Hiện nay, bệnh TCM đang diễn biến phức tạp, với chủng vi rút gây ra bệnh nặng lây lan nhanh và biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, những gia đình có trẻ nhỏ cần cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời./.

Minh Khang

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/canh-giac-voi-benh-tay-chan-mieng-nang-a30036.html