Cảnh giác với bệnh viêm kết mạc sau mưa lũ

Trong và sau bão lũ, ngập lụt, nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể lây lan trên diện rộng bởi môi trường sống ẩm ướt, nhà cửa bị ngập úng, rác thải ứ đọng là điều kiện lý tưởng để các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm sinh sôi.

Thăm khám bệnh nhân mắc viêm kết mạc. Ảnh: BV Mắt Hà Nội 2.

Thăm khám bệnh nhân mắc viêm kết mạc. Ảnh: BV Mắt Hà Nội 2.

Theo số liệu thống kê mới nhất tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, gần 70% bệnh nhân đến khám trong những ngày gần đây được chẩn đoán mắc các bệnh lý của kết - giác mạc, nhiều nhất là viêm kết mạc - một trong những bệnh lý phổ biến do tác động của nước bẩn, bụi và dị vật nhỏ trong không khí.

BS Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh lý của kết mạc và giác mạc sau siêu bão, với các triệu chứng như cộm, đỏ mắt, ngứa rát, chảy nước... mắt khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu. Nếu không xử lý kịp thời, những tổn thương này có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thị lực.

Đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, ông N.T.L. (52 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: Những ngày sau bão, mắt tôi liên tục xuất hiện tình trạng cộm, nhức. Sau khi khám và chẩn đoán mắc viêm kết mạc, tôi được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc điều trị. May mắn là mắt tôi không tổn thương quá nghiêm trọng và dự kiến sẽ khỏi trong 2-3 ngày tới.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, BSCKII Phùng Thị Thúy Hằng - Phó trưởng khoa Mắt cho biết, ngập lụt trên diện rộng khiến nước đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm tại mắt, trong đó bệnh viêm kết mạc là phổ biến, có thể bùng phát thành dịch sau lũ. Viêm kết mạc sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch, lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 60 tuổi, bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn.

Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc do phản ứng dị ứng với các tác nhân môi trường, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm kết mạc cấp như phế cầu, tụ cầu, liên cầu. Trong khi đó, trong số các loại virus gây ra căn bệnh này, Adenovirus là tác nhân phổ biến nhất và thường lây lan mạnh gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường.

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 1 - 2 tuần không để lại di chứng, tuy nhiên trong một vài trường hợp nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề thậm chí là mất hoặc giảm thị lực.

Người bị đau mắt đỏ thường có những biểu hiện như mắt đau rầm rộ, cộm, cảm giác như cát trong mắt; Chảy nước mắt và có nhiều gỉ mắt, thậm chí sau khi ngủ dậy gỉ làm dính chặt mi mắt; Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ngày đến mắt thứ hai… kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).

Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng nhiều tháng. Ngoài ra người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.

Đáng chú ý, viêm kết mạc trên trẻ em thường nặng do miễn dịch tại chỗ của trẻ còn yếu, các mô mềm quang mắt của trẻ lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Trẻ nhỏ không biết nói, quấy khóc khiến cho việc tra nhỏ thuốc và khám mắt khó khăn. Điều trị viêm kết mạc trên trẻ em phức tạp hơn, kéo dài hơn người lớn, đòi hỏi công sức của nhân viên y tế lẫn cha mẹ trẻ.

Bệnh lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây, cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể.

BSCKII Phùng Thị Thúy Hằng - Phó trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác. Nên ngừng đeo kính áp tròng vài ngày khi có viêm kết mạc cấp. Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-giac-voi-benh-viem-ket-mac-sau-mua-lu-10290394.html