Ru 'vách đêm' trong giấc tự trào

Tập thơ 'Vách đêm' của Đỗ Thu Hằng mang đến cho độc giả một cảm thức mới - hạnh phúc không nằm ở cuối con đường mà chính là sự trải nghiệm trong quá trình chuyển hóa tâm thức.

Tôi nhận được tập thơ Vách đêm còn thơm mùi giấy mới của Đỗ Thu Hằng vào ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam trở về Đức. Bìa sách đẹp sang trọng do họa sĩ, nhà thơ Trần Thắng thiết kế, kèm với 6 phụ bản bằng hai gam màu trắng đen như một sự ẩn dụ tinh tế ám thị cho Vách đêm không màu.

Mâu thuẫn trong tự bạch

Khác với hai tập thơ trước của Đỗ Thu Hằng, Vách đêm là một cái tựa đáng suy ngẫm. Cứ mường tượng như một người lần mò trong đêm tối để tìm ra lối đi riêng không hề dễ dàng. Cũng vậy, chúng ta đang sống giữa thế kỷ 21 - kỷ nguyên của sự thanh lọc. Tâm hồn của mỗi cá thể đều bị tác động không hề nhỏ trong quy luật thanh lọc chánh tà, thiện ác. Ai cũng biết đến hai cực của nhị nguyên: tốt - xấu, được - mất, thành - bại, hạnh phúc - đau khổ nhưng lại vô tình hay cố ý bỏ qua khúc giữa của con đường, đó chính là quá trình giải thoát.

Tác giả Đỗ Thu Hằng.

Tác giả Đỗ Thu Hằng.

Với 70 bài thơ, Đỗ Thu Hằng đã đưa độc giả vào cung đường tìm kiếm sự giải thoát của chị. Vách đêm không ngay lập tức hấp dẫn người đọc bởi ngôn từ không quá lộng lẫy, không sử dụng thủ pháp như nhiều nhà thơ nữ đương đại khác. Lời thơ chứa đựng cảm xúc dịu dàng, lảng bảng giữa thực và mộng, đôi khi con tim trào dâng những suy nghĩ mơ hồ non dại rất đời.

Tác giả tự sửa mình, tự chắp vá nông sâu, ghép ký tự chữ thành áng thơ dung dị trong khu vườn tâm hồn. Nhà văn Nguyễn Thế Kiên viết thay lời bạt: "Những trang thơ giải tỏa và quán chiếu, đã làm chất xúc tác để tôi chắp bút giới thiệu Vách đêm với giới mộ đạo yêu thơ".

Lối sống giản dị nhưng rất bản năng và nữ tính đã khiến những mảnh ghép trong thơ Đỗ Thu Hằng trở nên gần gũi, thuần khiết: "Vài mảnh ghép những ô màu bí mật/ Trắng đen đời thắm đỏ ước mơ/Vài tàn tích trên vết thương trơ trọi/Giọt lệ khô treo trên nhánh thật thà".

Bài thơ Khoảnh khắc đã mở nút thắt của Vách đêm - phải chăng chúng ta luôn mâu thuẫn với chính mình hay đang trốn chạy sự đảo điên của cuộc đời. Tôi rung cảm và xúc động như thể chính mình đang thấm thía bài học về đức tin.

"Ơi dịu dàng thanh âm lòng ai biết/Khúc bi ca vương vấn cả cõi tình/ Đêm ngả xuống nỗi buồn như câu hát/Chỉ em là thương nhớ điệp trùng thôi". Niềm khắc khoải tự thân như tiếng vọng vào Vách đêm, sự mâu thuẫn trong tình yêu được đẩy lên cao trào. Còn đau đớn là còn yêu, còn yêu là đang sống.

Có khi nữ nhà thơ mượn lục bát lẩy lên khúc tự trào: "Áo thời gian phủ lên vai/Lẽ nào khâu tiếng thở dài làm khuy/ Ngũ hành biến sắc cùng tùy/ Âm dương cũng nhạt thịnh suy vui buồn". Sự thăng hoa của tứ thơ như thoát xác. Một tâm hồn mong manh non dại trong thân xác đàn bà, hay sự trưởng thành được khai thị dẫn lối tạo mạch nguồn. Tôi thích cách biểu đạt sáng tỏ trong thơ khiến cho người đọc nhìn thấy thực tại ngay trong sự giằng xé. Dĩ nhiên ở đó đang diễn ra một cuộc cách mạng đấu tranh giữa bản ngã và lý trí.

"Phù vân một kiếp vụng về/Giấu buồn trong rễ tái tê cõi người/Chênh vênh hai bến khóc cười/Ước mơ đã ngủ quên quên rồi thành xưa/Áo đời nhàu vết nắng mưa/Soi gương mặt gió chợt vừa trăm năm/Xác mùa xuân ghé hỏi thăm/ Này yêu dấu cũ xa xăm chốn nào" - (Áo thời gian).

Tứ thơ cứ xao xác trong kiếp hồng trần đa mang. Và rồi Đỗ Thu Hằng tìm cách "thoát xác" bằng những mật ngôn khiêm nhường giản dị: "Không màng những sự lớn lao/ Cơi trầu em cứ ngọt ngào nhỏ nhoi/ Căn bếp ấm luống mùng tơi/ Những nụ hoa trắng gọi mời mát thanh/... Giản đơn như nắng bên hiên/Như chùm cẩm tú không phiên nào vương/ Lòng chìm tromg bạch thiên hương/ Mà nghe đồng vọng tiếng thương giữa đời" - (Đồng vọng).

Hạnh phúc không nằm ở cuối con đường

Vách đêm mang đến cho tôi một cảm thức mới - hạnh phúc không nằm ở cuối con đường mà chính là sự trải nghiệm trong quá trình chuyển hóa tâm thức.

Xuyên suốt tập thơ, Đỗ Thu Hằng đã mang đến cho độc giả giây phút tự tại trong sự quán chiếu của chính mình, không còn day dứt giữa đúng sai, không còn si hận quá độ trong cơn tự trào: "Biết chẳng thể cầm mùa trên lá biếc/Gió phù sinh hun hút những cơn nhàu/ Mong manh quá loại hoa tình rũ gục/ Khi chiều tà man mát sắc trầm nâu" - (Phù du một khúc).

Mong rằng nữ tác giả tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới mà vẫn giữ mãi được nét hồn nhiên trong ý thơ. Vì sự trong trẻo của thơ đương đại đang bị mai một giữa một rừng thủ pháp với ngôn từ gò ép giống nhau chẳng tạo nên sự khác biệt.

Nhà thơ Đỗ Thu Hằng sinh năm 1979, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, chị đang là giáo viên dạy văn ở Thủ đô. Một số tác phẩm đã xuất bản: Trên cánh hoa có nỗi buồn đang phai, Tái sinhVách đêm.

Ảnh: NVCC

Trần Thảo Vy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ru-vach-dem-trong-giac-tu-trao-2321265.html