Cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Gần đây, việc lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và sử dụng các ứng dụng giả mạo cơ quan Nhà nước đã trở nên phổ biến và ngày càng tinh vi.

Mới đây, trên mạng xã hội TikTok, một nữ nạn nhân (là người khá nổi tiếng) đã chia sẻ về trường hợp bị lừa đảo của mình. Cụ thể, người dùng này đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại có đầu số 05, tự xưng là người của cơ quan thuế địa phương.

Sau đó, đối tượng đọc một số thông tin đăng ký kinh doanh như tên doanh nghiệp, mã số thuế, ngày thành lập, địa chỉ, người đại diện,... đúng như những gì mà nạn nhân đã đăng ký, khiến nạn nhân tin tưởng.

Tuy nhiên, thực tế là những thông tin này có thể tìm kiếm dễ dàng trên mạng hoặc tra cứu trên trang web của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 Mã số thuế và thông tin doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu trên mạng.

Mã số thuế và thông tin doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu trên mạng.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu chị này cài đặt ứng dụng eTax Mobile của "Tổng cục Thuế" để đóng thuế online. Để tạo lòng tin, người gọi còn yêu cầu chị lên mạng tìm kiếm và cài đặt theo hướng dẫn của "Chính phủ". Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, điện thoại của chị liên tục bị sập nguồn và tụt pin rất nhanh, nhưng chị chỉ nghĩ là điện thoại sắp hỏng hoặc bị chai pin rồi.

Một hôm, khi chị vào các ứng dụng ngân hàng để giao dịch chuyển khoản thì phát hiện tài khoản trong tất cả ứng dụng ngân hàng đã bị đăng xuất hết và yêu cầu phải đăng nhập lại. Hôm sau, chị phát hiện một giao dịch chuyển từ tài khoản của chị sang một tài khoản lạ với số tiền 84.000.000 đồng.

Lúc này, chị mới vội vàng rà soát lại các ứng dụng trên máy của mình thì thấy ứng dụng eTax Mobile là khả nghi nhất nên đã gỡ cài đặt ứng dụng. Tuy vậy, sau đó trên máy của chị lại xuất hiện một ứng dụng khác có tên là “Chính phủ”. Kiểm tra phần hiệu năng thì thấy ứng dụng này tiêu tốn rất nhiều pin. Sau khi gỡ cài đặt thành công ứng dụng này thì điện thoại của chị Thảo không bị sập nguồn hay tốn pin như trước nữa

Do đó, có thể hiểu rằng đây là một ứng dụng gián điệp, cho phép tội phạm lừa đảo truy cập và lấy cắp các thông tin trên điện thoại của người dùng, đặc biệt là mật khẩu ngân hàng.

Không chỉ những người lớn tuổi mà ngay cả các bạn trẻ lớn lên trong thời đại kỹ thuật số cũng có thể bị lừa đảo bởi những chiêu thức tinh vi trên. Vì thế, người dân cần hết sức cẩn trọng với những yêu cầu cài đặt ứng dụng hoặc truy cập vào các liên kết qua lời kêu gọi trên điện thoại.

Tốt nhất, người dân nên đến trực tiếp cơ quan cần liên hệ tại địa phương để được xác nhận và hướng dẫn cụ thể. Hoặc người dân có thể truy cập vào các trang web chính thức của cơ quan đó và liên lạc qua số điện thoại được công bố trên trang.

Dấu hiệu nhận biết các trang web chính thống là giao diện trình bày rõ ràng, cung cấp thông tin liên hệ và địa chỉ cụ thể, đường dẫn không có những ký tự bất thường như .xyz, ncc.top, bit.ly,... Những trang web lừa đảo thường có giao diện rất sơ sài, bố cục rối rắm, sai chính tả,... do chúng không được kiểm duyệt kỹ càng.

 Tin nhắn giả mạo ngân hàng dụ người dùng truy cập vào liên kết lừa đảo.

Tin nhắn giả mạo ngân hàng dụ người dùng truy cập vào liên kết lừa đảo.

Ngoài ra, đối với cách thức lừa đảo vay mượn tiền, nắm được tâm lý người dùng sẽ gọi điện thoại video để kiểm tra trước khi chuyển khoản, các tội phạm đã có sự “nâng cấp” trong chiêu trò của mình. Bọn chúng sẽ sử dụng những bức ảnh, video được đăng tải trên mạng xã hội của các nạn nhân và sử dụng công nghệ deepfake để biến các dữ liệu trên thành các đoạn âm thanh, video giả danh người quen của nạn nhân, phục vụ cho mục đích xấu của chúng.

Hiện nay, có một số ứng dụng, trang web như Talking Photos, Speaking Portrait,... giúp người dùng có khả năng biến một bức ảnh tĩnh thành một đoạn video mà nhân vật trong đó có thể cử động, chớp mắt, nhép miệng khớp theo lời thoại y như thật. Những đối tượng xấu có thể lợi dụng chức năng của các ứng dụng này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Vì thế, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi vay tiền từ người quen, cần cẩn thận kiểm tra lại bằng cách gọi điện đến số điện thoại thường của người đó cũng như hỏi thăm bạn bè chung giữa hai người có gặp tình trạng tương tự hay không để xác thực thông tin.

THIÊN THANH

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/canh-giac-voi-cac-chieu-thuc-lua-dao-su-dung-cong-nghe-cao-745829