Cảnh giác với các loại ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống
Thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ được một số loại đồ ăn, thức uống nghi có chứa chất ma túy. Điều đáng nói, những sản phẩm này được ngụy trang tinh vi nên người sử dụng rất khó nhận biết để phòng tránh. Thậm chí, khi đã trót sử dụng và xuất hiện những triệu chứng khác thường về sức khỏe thì nạn nhân vẫn không hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Những món ăn chết người
Ngày 30-5-2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, huyện Đông Anh) đã tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân có triệu chứng bồn chồn, lơ mơ, khó thở và sau đó là bất tỉnh. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sỹ cho biết nguyên nhân xuất phát từ một loại thực phẩm mà bệnh nhân đã ăn trước đó khoảng 20 phút. Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cơ quan Cảnh sát điều tra CAH Đông Anh (Hà Nội) đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh.
Qua thu thập vật chứng, cơ quan công an đã gửi mẫu thực phẩm (là bánh chocolate) tới Phòng Kỹ thuật hình sự để trưng cầu giám định. Kết quả từ các giám định viên cho biết, đã tìm thấy chất ADB-Butinaca trong các viên chocolate. Đây là chất thường được phát hiện trong các mẫu ma túy có tên là “cỏ Mỹ”. Theo chỉ huy Phòng Kỹ thuật hình sự, chất ADB-Butinaca có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp vốn hay được tẩm vào các mẫu thảo mộc. Tuy nhiên, các chất này lại không có trong Danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 và Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ.
Trước đó, ngày 25-10-2021, 13 nữ sinh của trường THPT Hoành Bồ, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đồng loạt có biểu hiện giống như ngộ độc. Cụ thể, các học sinh này đều đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay… và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Hạ Long cấp cứu. Kết quả test nhanh cho thấy, có 9 học sinh dương tính với ma túy (THC - cần sa). Theo báo cáo của CAP Hoành Bồ (TP Hạ Long) các em học sinh nói trên đã mua 1 gói kẹo trên ở quán cà phê thuộc phường Hoành Bồ. Trên các trang bán hàng online của nước ngoài, loại kẹo này có giá 9,99 USD/gói, được mô tả là kẹo dẻo với các hương vị dâu tây, anh đào, nho…
Cơ quan chức năng xác định, gói kẹo được tẩm 400mg THC trong mỗi chiếc. THC chính là Tetrahydrocannabinol - một trong những nhóm hợp chất hóa học được xác định có trong cần sa và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Khi THC đi vào cơ thể, nó thay đổi cách thức hoạt động của não bộ, tạo ra cảm giác “phê”, đồng thời gây ra những thay đổi đáng kể lên cơ thể bao gồm các tế bào tiêu hóa, tim mạch, gan, thận, xương, da, phổi và miễn dịch, gây ảo giác. Tại Việt Nam, cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy bị cấm tuyệt đối sử dụng trong y học và đời sống xã hội.
Trước đây, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện những loại ma túy dạng thanh chocolate có tên gọi “Cannabis chocolate”. Về hình thức, chúng không khác gì các loại chocolate bán trên thị trường, nhưng thực chất lại là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng. Ngoài ra, các sản phẩm này còn chứa chất ADB-Butinaca gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng, ảo giác rối loạn tâm thần, và ý thức thoát ly thực tại. Để chủ động phòng ngừa, CATP Hà Nội đang tích cực đấu tranh, xử lý, đồng thời mở các đợt tuyên truyền, cảnh báo tại các trường học để thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh nhận diện, quản lý con em trước sự xâm nhập của các loại ma túy dạng mới.
Tăng cường công tác phòng ngừa
Cuối tháng 7-2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã thông tin về việc thời gian qua tại Việt Nam đã xuất hiện các dạng ma túy núp bóng thực phẩm và thực phẩm chức năng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, một số quốc gia cho phép sản xuất loại thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy.
Tuy nhiên, chúng được quy định cụ thể về hàm lượng, có in thông số trên bao bì và có cảnh báo người dùng. Trong thời gian qua, một số đối tượng đã lén lút đưa vào loại thực phẩm chức năng này vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch và phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như vụ việc các em học sinh ở TP Hạ Long. Điều đáng nói là trên bao bì các sản phẩm này chủ yếu in bằng tiếng nước ngoài, lại chưa được sự cấp phép, quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam, do đó người sử dụng không thể lường được hậu quả, đặc biệt khi sử dụng quá liều.
Để ngăn chặn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức về tác hại của các loại ma túy, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy, cách nhận biết thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn ma túy. Công an các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường trong kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Thường xuyên phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương, các gia đình trong giáo dục, quản lý con em.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tài liệu về các loại ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống để thông báo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Tăng cường xử điểm, xử lưu động các vụ án liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống nhằm phòng ngừa loại tội phạm này.