Cảnh giác với dịch bệnh mùa đông - xuân
Mùa đông - xuân là thời điểm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Đại diện Bộ Y tế cảnh báo, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.
Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Tại hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019” do Bộ Y tế tổ chức chiều 18-11, TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông - xuân là: Cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Đặc biệt, về bệnh sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong.
Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa đông - xuân bởi thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa.
“Vì vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng”, TS Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.
Mục tiêu của ngành Y tế là chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông - xuân và mùa lễ hội.
Vì vậy, nhiều giải pháp được đưa ra, như: Giám sát chặt, hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm, ổ dịch tại cộng đồng; tập trung truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, đặc biệt là với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, đồng thời tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95%...