Cảnh giác với nguy cơ cháy nổ

Thời gian gần đây, trong cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ, nhất là cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh gây ra thiệt hại to lớn về tính mạng và tài sản của người dân. Thực tế này đòi hỏi mỗi người dân nâng cao ý thức cảnh giác với nguy cơ cháy nổ, các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy.

 Diễn tập phòng cháy chữa cháy - Ảnh: A.Q

Diễn tập phòng cháy chữa cháy - Ảnh: A.Q

Gia đình ông Nguyễn Thành Nhân ở Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà hiện vừa ở vừa kinh doanh trong căn nhà có diện tích khoảng 170 m2 . Thời gian trước, ông Nhân trưng bày, tập kết rất nhiều hàng hóa ở tầng 1 để vừa kinh doanh thuận lợi, vừa quảng cáo sản phẩm của các nhà cung cấp. “Đọc báo, xem ti vi thấy nhiều địa phương xảy ra những vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh (SXKD) gây ra những cái chết rất thương tâm và thiệt hại nhiều tài sản do không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên từ mấy tháng nay, tôi đã sắp đặt lại hàng hóa gọn gàng để có không gian thông thoáng, dành nhiều diện tích hơn cho lối đi, đồng thời bố trí lại và nâng cấp hệ thống điện, mua thêm bình chữa cháy. Cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên mình phải chủ động phòng ngừa”, ông Nhân nói. Không phải ai cũng có ý thức về PCCC như ông Nhân.

Ở nhiều nhà ở, nhà ở kết hợp SXKD ở thành phố Đông Hà cũng như các địa phương khác trong tỉnh, việc quan tâm thực hiện các biện pháp về bảo đảm an toàn cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Không khó để chứng kiến những căn nhà ống kiên cố chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính; nhiều nhà ở kết hợp SXKD hàng hóa và vật tư, thiết bị trưng bày, tập kết chiếm phần lớn diện tích, trong đó có nhiều loại rất dễ cháy nhưng việc chấp hành các quy định về PCCC chưa được quan tâm đúng mức…

Thời gian gần đây, đã xảy ra không ít vụ cháy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Rạng sáng ngày 31/5/2021, tại căn nhà số 16A đường Nguyễn Thiện Thuật, Phường 2, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ hỏa hoạn. Khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong cứu nạn do ngôi nhà có một lối thoát duy nhất bằng cửa cuốn đã bị khóa, vụ cháy làm 2 người trong gia đình có 4 người tử vong. Mới đây nhất, ngày 5/6/2021, tại cơ sở kinh doanh đồ điện Quang Dũng ở đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) xảy ra hỏa hoạn. Nhận tin báo, cảnh sát PCCC ngay lập tức có mặt nhưng cơ sở này chỉ có một cửa chính đang bị lửa bao trùm, không có lối thoát hiểm khác đã khiến việc chữa cháy và cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, hậu quả thương tâm là 4 người trong một gia đình tử vong, trong đó có một người mẹ đang mang thai…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ năm 2020 đến nay đã xảy ra 117 vụ cháy, trong đó có 20 vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp SXKD. Ví dụ như ngày 16/7/2020, tại nhà ở kết hợp kinh doanh karaoke ở thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) xảy ra cháy gây thiệt hại khoảng 60 triệu đồng; ngày 8/1/2021 tại nhà trọ của bà Nguyễn Thị Luận ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương (thành phố Đông Hà) xảy ra cháy làm 2 người tử vong… Đây là những bài học đắt giá cảnh báo mọi người không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc coi thường, xem nhẹ công tác PCCC.

Đại tá Lê Văn Tiền, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, hầu hết các vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp SXKD gây hậu quả nặng nề về người và tài sản đều có nguyên nhân người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn; do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, sử dụng nguồn nhiệt; hệ thống điện trong nhà ở, khu vực SXKD kết hợp nhà ở thiết kế chưa phù hợp, không an toàn; không trang bị hoặc trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH không phù hợp.

“Để kéo giảm số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, đơn vị thường xuyên thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trong Nhân dân các quy định của pháp luật về PCCC - CNCH. Hướng dẫn các kiến thức, biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC, nhất là thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ trong sử dụng điện, sắp xếp, bảo quản hàng hóa, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; những việc cần phải làm khi phát hiện cháy và kỹ năng sinh tồn, thoát nạn. Phân tích chỉ ra các nguyên nhân gây cháy nổ và cảnh báo hậu quả do cháy nổ gây ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm…”, Đại tá Lê Văn Tiền thông tin thêm.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn, gần đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1469/UBND-NC về việc mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC các khu dân cư, nhà ở, nhà ở kết hợp SXKD. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC theo quy định.

Trong đó, đặc biệt coi trọng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các hộ gia đình, nhất là hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp SXKD; chỉ rõ những vi phạm và yêu cầu ký cam kết khắc phục vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tự kiểm tra, thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy định, các kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, chất dễ cháy nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt và các biện pháp xử lý khi xảy ra cháy nổ tại hộ gia đình; tuyên truyền các vụ cháy nổ điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản để người dân nâng cao cảnh giác.

Anh Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158167&title=canh-giac-voi-nguy-co-chay-no