Cảnh giác với thời tiết nắng nóng dễ bị bệnh sốc nhiệt, đột quỵ
Thời tiết nắng nóng như hiện nay không những làm cơ thể khó chịu, dễ bị sốc nhiệt, tổn thương da, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt, mà còn dễ bị mắc các bệnh lý khác.
Dễ mắc nhiều bệnh
Những ngày gần đây, khu vực phía Nam đang trải qua thời tiết nắng nóng gay gắt, cùng với đó, độ bức xạ tia cực tím tại khu vực TP Hồ Chí Minh ở mức 9, mức rất cao. Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết, thời điểm này dễ phát sinh một số loại dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng…
Bên cạnh đó, tùy theo mức độ tiếp xúc dưới nắng nóng, nhiệt độ môi trường xung quanh, cũng như thời gian tiếp xúc với nắng nóng trong bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng, như bệnh phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt thậm chí đột quỵ do nhiệt.
Bác sĩ Dương Anh Phượng, chuyên khoa Nội Tổng quát –Hô hấp bệnh viện Quốc tế City cho biết, các bệnh hô hấp thường gặp nhất trong thời điểm này là cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phổi và những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản cũng dễ tái phát, có nguy cơ đe dọa sức khỏe của nhiều người, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…
Ngoài ra, người lớn và trẻ em đều dễ mắc các bệnh về da vào mùa này. Trẻ em thường mắc bệnh rôm, sẩy (trẻ nhỏ), viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema)... Còn đối với người lớn, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc dưới môi trường nắng nóng cùng với chỉ số tia UV cao có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể...
Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, cho biết, vào mùa nắng nóng, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp da bị bỏng đỏ, ngứa rát, sạm đen, nổi nhiều mụn... do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, không khí ô nhiễm, đổ mồ hôi nhiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Ánh Tú, tia cực tím có thể gây hại cho da bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng nhiều hơn vào những tháng mùa hè khi mức độ tiếp xúc cao hơn. Do đó, người dân nên chọn kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SPF ≥ 30; sử dụng dạng gel để hấp thu nhanh vào da, tránh cảm giác bóng nhờn và bít tắc lỗ nang lông, gây mụn trứng cá đồng thời ưu tiên chọn loại có tính kháng nước để kem chống nắng ít bị trôi đi khi mồ hôi tiết ra nhiều do thời tiết nắng nóng.
“Việc bôi lặp lại thường xuyên sau mỗi 2-3 giờ hoặc khi ra mồ hôi nhiều cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, cần kết hợp việc mặc quần áo dài, đội nón rộng vành, đeo kính mát... và hạn chế để lộ cơ thể bạn trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Ánh Tú khuyến cáo.
Các biện pháp phòng bệnh
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho hay, để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cũng lưu ý thêm, một số người có thói quen vừa đi nắng về thì tắm ngay, hay do thời tiết nóng nực nên phải thường xuyên tắm, điều này khiến cho cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột. Do đó, người dân không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe.
Để phòng các bệnh mùa nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần tiêm chủng cho trẻ các loại bệnh mùa hè mà đã có vắc xin như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu… Thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên; vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.
Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng điều hòa, nên để nhiệt độ khoảng từ 25-27 độ C và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người.
Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi khát.
Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12 – 16 giờ chiều. Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.