Cảnh giới Tịnh độ theo kinh tạng Pāli

GNO - Tôi nghe nói trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy có miêu tả về cảnh giới Tịnh độ và các nhân hạnh để sinh về quốc độ ấy. Điều đó có thật không? Cảnh giới ấy có giống như Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật A Di Đà không? Nếu có thì mong quý Báo chia sẻ về vấn đề này.

(HOÀNG LONG, nghlong…@gmail.com)

Bạn Hoàng Long thân mến!

Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy căn bản là Tam tạng Pāli. Đúng là trong Tam tạng Pāli có miêu tả về cảnh giới và nhân hạnh để sinh về Tịnh độ. Tịnh độ là danh từ chung, có nghĩa là quốc độ thanh tịnh. Trong Kinh tạng Pāli, Tịnh độ (Suddhāvāsa) hay tịnh cư nghĩa là cõi giới trong sạch, nơi hóa sinh của các bậc Thánh Bất lai (Tam quả A-na-hàm), gọi là Ngũ tịnh cư thiên thuộc Sắc giới.

Sắc giới có 16 tầng trời, tương ứng với công đức của người chứng đắc thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Gồm: 1-Trời Phạm chúng, 2-Trời Phạm phụ, 3-Trời Đại phạm, 4-Trời Thiểu quang, 5-Trời Vô lượng, 6-Trời Quang âm, 7-Trời Thiểu tịnh, 8-Trời Vô lượng tịnh, 9-Trời Biến tịnh, 10-Trời Quảng quả, 11-Trời Vô tưởng, 12-Trời Vô phiền, 13-Trời Vô nhiệt, 14-Trời Thiện hiện, 15-Trời Thiện kiến, 16-Trời Sắc cứu cánh. Trong đó, năm tầng trời cao nhất (từ 12-Vô phiền đến 16-Sắc cứu cánh) chính là Ngũ tịnh cư thiên.

Ngũ tịnh cư thiên còn có tên gọi khác là Ngũ bất hoàn thiên. Vì đã đoạn trừ ái dục và sân hận nên không trở lại Dục giới (bất hoàn-không quay lại). A-na-hàm có nghĩa là bậc Thánh Bất lai, không trở lại Dục giới. Từ Ngũ tịnh cư thiên (Sắc giới), các vị Tam quả A-na-hàm tu tập cho đến khi đắc Tứ quả A-la-hán và nhập diệt.

Cảnh sắc tại Ngũ tịnh cư thiên vô cùng tráng lệ; lầu các, hoa viên… bằng các thứ báu rất thù thắng trang nghiêm. Nơi đây chỉ có các bậc Thánh A-na-hàm và các vị Thánh lậu tận A-la-hán, thọ mạng lâu dài từ 1.000 đại kiếp cho đến 16.000 đại kiếp. Tùy theo khả năng mạnh yếu của tín, tấn, niệm, định, tuệ mà chư Thánh giả sinh vào một trong năm cõi Tịnh độ. Tùy thuộc túc duyên và khả năng thiền quán mà các vị A-na-hàm chứng đạt quả vị giải thoát tối hậu cũng khác biệt nhau.

Các nhân hạnh để hóa sinh về Ngũ tịnh cư thiên đó là tu tập thiền chỉ chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền, sau đó phát huy thiền quán đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân hận). Tổng thể thì các nhân hạnh này chính là tu tập Giới, Định, Tuệ; thực hành Bát chánh đạo và các trợ đạo.

Thuyết Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật A Di Đà (Phật giáo Đại thừa) hình thành muộn hơn, có nhiều điểm tương đồng với thuyết Tịnh độ Ngũ tịnh cư thiên của Phật giáo Nguyên thủy. Cảnh sắc thật huy hoàng, rực rỡ. Tập trung toàn các bậc thượng thiện nhơn, từ Thánh A-na-hàm trở lên. Đã hóa sinh về đây thì trước là không trở lại Dục giới (Bất lai, bất hoàn, bất thoái chuyển), sau là chứng đắc A-la-hán.

Pháp tu Tịnh độ Cực lạc là niệm Phật (chánh hạnh) và làm các việc lành (trợ hạnh). Niệm Phật đây chính là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, ban đầu pháp niệm này có tính chất thiền chỉ, hướng đến nhất tâm bất loạn. Về sau, xả ly niệm danh mà niệm thật tướng, thể nhập tự tánh Di Đà, chính là thiền quán. Người sơ cơ tín tâm cầu vãng sinh Tịnh độ Cực lạc, người trí tuệ thì Tịnh độ hiện tiền, vô lượng thọ, vô lượng quang… không ngoài tâm.

Phật giáo Nguyên thủy cũng chủ trương niệm Phật, niệm ân đức Phật bảo. Kinh Tăng chi bộ (chương Một pháp), Đức Phật dạy: “Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. Pháp niệm Phật này mang các đặc tính của thiền chỉ và thiền quán. Để “ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” thì chỉ có thiền quán mới thành tựu.

Như vậy, ngoài những điểm tương đồng là một số dị biệt. Là Phật tử chân chính, chúng ta cần tìm hiểu để học tập và phát huy những điểm tương đồng, đồng thời tôn trọng những điểm dị biệt. Cho dù là Tịnh độ nào, nếu được sinh về là phúc phần của mỗi chúng ta.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/canh-gioi-tinh-do-theo-kinh-tang-pali-post74353.html