Dù 2 ngày nữa mới đến Tết ông Công ông Táo, người dân tại làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã bắt đầu hút ao, thu hoạch cá chép đỏ để chuẩn bị xuất bán đi cả nước.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm hình thành từ những năm 1960, xuất phát từ những xã viên hợp tác xã đi vớt trứng cá ngoài sông. Khi thấy trứng nở ra những con cá chép đỏ, họ đã chọn lọc những con cá đỏ nhất, cho sinh sản qua nhiều thế hệ. Đồng thời, đất ở đây thuộc vùng chiêm trũng, phù hợp với công việc đào ao nuôi thủy sản.
Ông Phan Văn Hữu (người dân huyện Cẩm Khê) chia sẻ gia đình có 3 ao chuyên nuôi cá chép đỏ, khách tới mua chủ yếu là các mối quen đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái...
Sau khi kéo lưới hai lượt, ông Hữu đã gom được hơn 20 kg cá trong ao nhà. "Đến hôm nay giá cá dự kiến khoảng 80.000 đồng/kg và sẽ tăng theo từng giờ. Năm ngoái, thời điểm cao nhất tôi đã bán được 200.000 đồng/kg cá chép đỏ", ông Hữu cho biết thêm.
Ngay sau khi kéo cá, người dân sẽ phân loại và thả vào các quây lưới nhỏ hơn nằm dọc kênh nước.
Sau khi vớt từ ao lên, cá chép đỏ được đưa lên bể xây xi măng để "ép"12-24 tiếng. Trong thời gian đó, bể sẽ được sục oxy và thay nước liên tục, quá trình này sẽ giúp cá tăng sức dẻo dai, thích nghi với môi trường mới và sẵn sàng chuyển đi xa hàng trăm km phục vụ người dân tại các địa phương khác.
Thông thường, cá giống sẽ được nuôi từ tháng 6, chăm sóc đến khi thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay. Cá khi xuất bán có kích cỡ vừa phải, màu đỏ tươi hoặc vàng, có vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi kg sẽ có khoảng 35-40 con, giá bán buôn dao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.
Ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm - cho biết cá chép đỏ Thủy Trầm có các ưu điểm là hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ, đôi mắt xanh đen, khỏe mạnh, không có đốm trên thân cá, nhiều chủng loại, mẫu mã. Đồng thời, loại cá chép đỏ này có giá hợp lý nên được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng.
Theo ông Hà Công Xuân (người dân xã Tuy Lộc), năm nay thời tiết khá đẹp nên cá sinh trưởng tốt, tuy lượng người nuôi trong làng giảm nhưng sản lượng lại tăng. "Tôi hi vọng giá cá năm nay sẽ tốt để có được một cái Tết đầy đủ hơn", ông Xuân nói.
Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc”, mang lại may mắn trong dịp Tết nên được nhiều người mua về cúng ông Công ông Táo.
Nhờ sinh lợi lớn nên nghề nuôi cá chép ở làng Thủy Trầm vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Cá chép đỏ được cho vào bao nylon chứa 10 kg nước được bơm oxy để vận chuyển đến các chợ dân sinh. Nhờ có nước và oxy nên cá vẫn sống khỏe mạnh, không chết ngạt khi được vận chuyển đi xa.
Việt Linh