Cảnh sắc châu Âu ở núi rừng Đắk Lắk
Nếu rừng khộp chỉ có ở Tây Nguyên thì Đắk Lắk lại là nơi tập trung chủ yếu. Để đến thăm rừng khộp, có nhiều cách đi, đường sá thuận lợi và đang được mở mang.
Đã bước vào mùa khô Tây Nguyên, nhưng những cánh rừng khộp dường như đi ngược quy luật của tự nhiên, bên cạnh những lá già rụng xuống như một lớp thảm dày, thì những nhành non vẫn nhú lên xanh tốt trên nền đất nứt nẻ, hanh khô.
Trong rừng khộp, có những loài cây lá to như chiếc quạt, thân cao vút từ 20 - 30 m vươn lên thẳng đứng dưới bầu trời trong vắt. Những thảm lá già dưới tán rừng lạo xạo mỗi khi có bước chân du khách.
Vào độ tháng tư, đi trên con đường trải nhựa dài hun hút và vắng vẻ, xuyên qua khoảng 30 km của Vườn quốc gia Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), bất cứ du khách nào cũng phải trầm trồ trước cảnh sắc lạ lẫm của rừng khộp, nhất là với những người ở nơi xa đến. Mùa này, rừng khộp liên tục chuyển màu lá, từ vàng rực rỡ sang đỏ rực, làm mê đắm những tín đồ du lịch. Thế nhưng, nếu có những trận mưa bất chợt, các nhành lá non chui ra từ lớp vỏ dày, cứng cáp lại khiến cánh rừng pha trộn thêm màu xanh mát mắt.
Theo những người ưa du lịch, để tham quan rừng khộp đẹp nhất thường vào dịp tháng 1, tháng 2. Khi đó, lá rừng chuyển qua 3 sắc độ, từ xanh sang vàng, từ vàng sang đỏ. Cảnh sắc của rừng khộp được nhiều người ví như những cánh rừng của châu Âu mùa thay lá.
Khộp - không phải tên một loài cây - mà thực tế là tên của một loại rừng, gồm những cây họ dầu lá rộng, rụng vào mùa khô ở Tây Nguyên. Rừng khộp phân bố ở nhiều nơi của Tây Nguyên và là rừng thưa. Du khách có thể ngắm nhìn những cánh rừng khộp ở giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Còn muốn đến Vườn quốc gia Yók Đôn, du khách có thể đi theo đường tỉnh số 1 từ TP Buôn Mê Thuột theo hướng tây bắc về phía huyện Ea Súp. Vườn quốc gia Yók Đôn hiện nay nằm trên 7 xã của huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và xã Ea Pô, huyện Cư Jút của tỉnh Đắk Nông.
Mặc dù có giá trị về du lịch, song rất tiếc, nhiều cánh rừng khộp ở Tây Nguyên hiện bị coi là kém hiệu quả kinh tế nên đang bị chặt bỏ để chuyển đổi sang các cây công nghiệp như cà phê, cao su.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kham-pha/canh-sac-chau-au-o-nui-rung-dak-lak-231729