Cảnh sát biển Việt Nam: Nâng cao chất lượng tổng hợp, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Bảo vệ Tổ quốc 'từ sớm, từ xa' là sự kế thừa và phát triển cao hơn của kế sách 'giữ nước từ khi nước chưa nguy', thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, an toàn vùng biển, đảo của Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đóng vai trò nòng cốt. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ CSB xác định rõ trách nhiệm xây dựng lực lượng CSB cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành (28-8-1998 / 28-8-2023), tổ chức, biên chế, trang bị phương tiện của lực lượng CSB đã và đang được đầu tư đúng hướng, bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; bảo đảm sự chỉ huy tập trung, thống nhất từ Bộ tư lệnh đến các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng. Tuy vậy, lực lượng CSB cũng gặp nhiều khó khăn, với địa bàn rộng, đóng quân phân tán, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; doanh trại, cầu cảng, trang thiết bị, tàu thuyền còn thiếu, khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp còn hạn chế, trong khi yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CSB đòi hỏi ngày càng cao.
Trước thực tế trên, việc xây dựng CSB xứng tầm là lực lượng chuyên trách, nòng cốt của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo, thực sự vững mạnh về mọi mặt là yêu cầu tất yếu khách quan, là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để xây dựng lực lượng CSB vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ CSB. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo chiến lược, trên cơ sở nâng cao năng lực tư duy, phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình, từ đó có quyết sách đúng, trúng trong xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xử lý thắng lợi các tình huống trên biển. Tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, đối sách trên biển và xây dựng cơ quan, đơn vị; trong bảo vệ chủ quyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân; trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển và hợp tác quốc tế. Chủ động nghiên cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Luật CSB và các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
Toàn lực lượng đã có bước đột phá trong đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, tổ chức tốt các hội thi, hội thao, diễn tập; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng CSB hiện đại làm mục tiêu huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, đã làm tốt công tác chuẩn bị, công tác bảo đảm; tăng cường huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB cũng chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ am tường nhiệm vụ, hiểu rõ đối tác, đối tượng, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xây dựng bản lĩnh, niềm tin, ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống với tổ chức các phong trào thi đua, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ; xây dựng và giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; có lối sống trong sạch, lành mạnh, giữ vững hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ CSB”.
Chủ động làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Những năm qua, lực lượng CSB Việt Nam đã thu thập, nghiên cứu, xử lý hơn 10.000 tin các loại, xây dựng hàng trăm báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; thường xuyên duy trì hàng chục tàu trực trên các vùng biển trọng điểm, bảo đảm SSCĐ, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam; kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát duy trì thực thi pháp luật, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; hiệp đồng chặt chẽ, luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không-Không quân, Kiểm ngư, các quân khu có biển và các ban, bộ, ngành 28 tỉnh, thành phố ven biển; bảo vệ an toàn cho các hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế biển. Qua đó, sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển được phát huy hiệu quả; nhiều tình huống quốc phòng, an ninh trên biển được xử lý kịp thời, đúng đối sách; thế trận quốc phòng, an ninh trên biển tiếp tục được củng cố vững chắc.
Cụ thể, toàn lực lượng đã điều động, sử dụng hơn 8.800 lượt/chiếc tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta; tiến hành kiểm tra hơn 20.000 lượt tàu các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 7.300 lượt chiếc, xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng; tổ chức xua đuổi hơn 5.500 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, yêu cầu 16.757 lượt/chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển của Việt Nam, ghi số hiệu 1.279 tàu, lập biên bản điểm chỉ hải đồ, phóng thích hơn 100 tàu; tiến hành bàn giao gần 100 tàu, thuyền vi phạm cho các lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình hoạt động trên biển, các tàu CSB kết hợp tuyên truyền pháp luật cho hàng nghìn tàu cá Việt Nam chấp hành nghiêm quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam; không vi phạm khai thác IUU.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB xác định tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của toàn lực lượng, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt chủ trương xây dựng CSB "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại". Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc, trong đó tập trung thực hiện tốt những chỉ tiêu còn lại mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lực lượng CSB lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đó là:
Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá và tham mưu kịp thời về chủ trương, đối sách; chỉ đạo lực lượng xử lý đúng đắn, linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Triển khai toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền; thực thi pháp luật; chống cướp biển, cướp có vũ trang, các loại tội phạm, vi phạm, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển. Tăng cường hoạt động đối ngoại CSB, nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề an ninh, môi trường biển. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc.
Tập trung xây dựng lực lượng CSB vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ. Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”, “CSB đồng hành cùng đồng bào dân tộc, tôn giáo”; triển khai ký kết giữa Ban Thường vụ Đảng ủy CSB với Ban Thường vụ 28 tỉnh, thành phố ven biển trong hợp tác thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”. Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; kiểm tra nhận thức chính trị, quân sự, pháp luật, chuyên ngành CSB hằng năm có 100% đạt yêu cầu (75% trở lên khá, giỏi, trên 15% giỏi); 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2021-2025; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ khai thác hiệu quả các loại trang bị hiện đại.
Tăng cường xây dựng chính quy, nền nếp công tác, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kế hoạch và đầu tư; phấn đấu quân số khỏe trên 98,5%, trên 85% đơn vị đạt bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt, 100% đơn vị đạt chỉ tiêu tăng gia; duy trì nền nếp công tác tài chính và quản lý tài sản. Bảo đảm hệ số kỹ thuật đạt trên 95%; thực hiện tốt Cuộc vận động 50 và hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật; thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, chú trọng làm tốt công tác dự trữ và bảo đảm hậu cần cho các cơ quan, đơn vị tuyến biển, đảo, trong đó đặc biệt là cho các biên đội tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương; xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo; hằng năm, có trên 80% cấp ủy và tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch hằng năm của người chỉ huy.
Phát huy truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, CSB Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng tầm là lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật trên biển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho lực lượng CSB.
Với những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng CSB được tặng thưởng danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2015); 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 5 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 12 tập thể được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; 9 tập thể được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba cùng hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành địa phương.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống, lực lượng CSB Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì vì đã lập chiến công xuất sắc đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.