Cảnh sát cơ động thuần hóa ngựa chiến 'bất kham'
Nhiều chú ngựa hoang được mang về với tính cách hung dữ, khó gần. Khi chiến sĩ tiếp cận làm thân, họ bị chiến mã cắn, đạp rách trán, bị thương.
Sau khoảng 7 tháng được thành lập, Đoàn CSCĐ kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an, đóng doanh trại, khu huấn luyện tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đang dần trở nên chuyên nghiệp, bài bản.
Các chiến sĩ nhận nhiệm vụ tại bản doanh không chỉ nhận nhiệm vụ đơn thuần là thuần hóa, huấn luyện ngựa, mà họ còn phải chăm sóc, nuôi nấng những “người anh em 4 chân” từng bữa ăn, giấc ngủ.
Trong khi đó, đội ngũ y tế, ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho ngựa, cũng đảm trách nhiệm vụ duy trì nòi giống cho đoàn kỵ binh. Cảm xúc khi đón chú ngựa con đầu tiên vẫn như in trong trí nhớ của họ.
Ngựa “bướng” đạp, cắn chiến sĩ
Tham quan bản doanh của Đoàn CSCĐ kỵ binh tại một trại ngựa ở TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, hơn 70 chiến mã được các chiến sĩ CSCĐ thuần hóa, luyện tập hàng ngày dưới cái nắng gắt giữa tháng 7.
Hàng ngày, các chiến sĩ bắt đầu ngày mới từ khoảng 5h, lập tức xuống khu trại, cho các chú ngựa ăn nhẹ sau đó nghỉ ngơi để chuẩn bị cho các hoạt động huấn luyện.
Sau khoảng 7 tháng, những chiến mã đã được thuần hóa và đang trong quá trình tập luyện các động tác nghiệp vụ.
Hạ sĩ Phan Đức Kỷ là một chiến sĩ của Đội Đặc nhiệm Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc Bộ. Khi nghe tin Đoàn CSCĐ kỵ binh được thành lập, anh đã xung phong đăng ký nhận nhiệm vụ huấn luyện.
“Thời gian đầu lên doanh trại, nhìn những chú ngựa hoang, tôi rất lo và bỡ ngỡ. Chăm sóc, huấn luyện một động vật lớn như ngựa để thực hiện các công tác nghiệp vụ, bảo vệ Tổ quốc là một trách nhiệm lớn đối với tôi”, hạ sĩ Kỷ nói.
Nhận chú ngựa của riêng mình, hạ sĩ Kỷ đặt cho chiến mã được 8 tuổi của mình cái tên “Tý hon”.
“Hơn 70 chú ngựa đang được huấn luyện tại đây, mỗi con có một tính cách khác nhau. Có những con rất khó gần, hung dữ. ‘Tý hon’ của tôi là một chú ngựa nhát người. Lần đầu gặp tôi, nó sợ và bỏ chạy khi tôi thử đeo cương”, anh kể.
Theo hạ sĩ, quá trình thuần hóa mỗi con ngựa không giống nhau, mỗi chiến sĩ sẽ phải nắm được tính cách ngựa của mình để thấu hiểu, khiến ngựa nghe theo lời mình.
Sau quãng thời gian thuần hóa, hạ sĩ Kỷ tự hào khoe “Tý hon” hiện nằm trong tốp những chiến mã có thể hình tốt, các động tác huấn luyện đều chuẩn, đẹp và đặc biệt là rất ngoan, biết nghe lời.
Nói về quá trình chăm sóc, anh Kỷ cho biết anh coi chú ngựa của mình như một đứa con nhỏ. “Tôi để ý ngựa từng ngụm nước, bữa ăn. Tối ngủ chúng tôi phải cắt cử người trông nom. Ngựa đi ngủ thường sẽ không nằm mà ngủ đứng. Chúng tôi đi gác đêm mà thấy ngựa nằm quá lâu sẽ phải thúc nó dậy, quan sát nếu có vấn đề bất thường phải gọi bác sĩ thú y ngay”.
Nam chiến sĩ CSCĐ kỵ binh cho biết ngày nào ngựa cũng phải được tắm ít nhất 1-2 lần sau buổi huấn luyện sáng và chiều. Nếu không tắm, lông ngựa dính mồ hôi sẽ khiến chúng khó chịu, dễ bị bệnh ngoài da và không thể tập luyện.
Không giống như anh Kỷ, đồng nghiệp của anh là trung sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn lại nhận huấn luyện chú ngựa “bất kham” nhất cả đoàn.
“Ngựa của tôi mang mã số 12, nó là con khỏe nhất, hung dữ nhất và cũng ‘bướng’ nhất. Sau gần 7 tháng, tôi vẫn chưa thể một mình đeo cương cho nó”, anh Tuấn nói.
Kể về lúc nhận ngựa, “chiến mã số 12” từng khiến nhiều chiến sĩ vất vả, thậm chí nhiều người bị thương.
“Hồi mới về, phải cần đến 6 chiến sĩ mới giữ yên được nó. Trước đó, ngựa từng đạp, cắn làm bị thương nhiều người. Có chiến sĩ còn bị đạp rách trán. Bản thân tôi cũng tím bầm ở chân, bụng… bởi những cú đạp, cắn của ngựa”, trung sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn kể.
Do có tính cách hung dữ, khó gần, quá trình thuần hóa, huấn luyện đã khiến chú ngựa bị rất nhiều thương tích vì bướng bỉnh.
Để huấn luyện được những chú ngựa hoang, điều quan trọng mà trung sĩ Tuấn cho biết đó là không được chịu thua. Ngựa càng cương, bướng, các chiến sĩ càng phải nghiêm, phải khống chế nó bằng được. Chỉ cần chịu thua một lần, lần sau ngựa sẽ càng không nghe lời.
“Khi xác định chọn một con ngựa, tôi coi nó như một người anh em. Mình có cảm tình mình mới chọn nó. Chọn rồi là yêu”, trung sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ.
Ngựa đẻ, cả Đoàn CSCĐ ngóng trông
Đoàn CSCĐ kỵ binh có một đội ngũ bác sĩ thú y chuyên nghiệp, luôn đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho đàn.
“Ngựa khi đem về cần rất nhiều thời gian để thích nghi”, thượng úy Nguyễn Anh Vũ, cán bộ phòng thú y Đoàn CSCĐ kỵ binh nói. Theo anh, ngựa của Đoàn CSCĐ kỵ binh nhập từ nước ngoài, được đưa về Việt Nam với thời tiết khắc nghiệt, nóng ẩm, giao mùa nhiều.
“Chúng tôi phải nghiên cứu, tham vấn những chuyên gia về ngựa, sắp xếp, tính toán từng bữa ăn, giấc ngủ cho đàn thật khoa học, hợp lý. Bởi, ngựa có một hệ tiêu hóa yếu và rất nhạy cảm”, thượng úy Anh Vũ giải thích.
Trước khi đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho chiến mã, thượng úy Vũ là cán bộ thú y chó nghiệp vụ. Thế nhưng, việc chăm sóc chó nghiệp vụ và kỵ binh rất khác nhau, đặc biệt là sinh sản.
Ngựa thường đẻ vào đêm và rạng sáng, anh em trong đội thú y phải thay phiên nhau thức đêm, canh chừng khi ngựa cái mang thai. Khi nắm được thời gian chuẩn bị đẻ, ngựa mẹ sẽ được tách ra ở chuồng riêng, có ổ nằm êm hơn. Còn cán bộ thú ý thì cắt cử người trực thâu đêm.
Nhớ về lần đầu tiên Đoàn CSCĐ kỵ binh đón một “chiến mã con”, anh Vũ hào hứng và cho biết khoảnh khắc đó vô cùng hạnh phúc. Trước khi đẻ, ngựa có những dấu hiệu rất rõ: Bồn chồn, đào bới ổ, lưng trũng xuống, bầu ngực căng, nhỏ sữa…
"Khi ngựa chuẩn bị đẻ, tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp. Hôm đón chú ngựa con đầu tiên, Trưởng đoàn, Phó đoàn CSCĐ Kỵ binh, toàn bộ đội ngũ thú y đều đứng ngóng, chờ đón ngựa con. Cảm xúc rất đặc biệt”, anh kể.
Khi ngựa con ra đời, nhiệm vụ của thượng úy Nguyễn Anh Vũ vẫn chưa hoàn thành, anh tiếp tục theo dõi, xem ngựa con có tự tìm đến ngựa mẹ để bú sữa không. Nếu không, anh và những đồng nghiệp phải cẩn thận, tìm cách đưa ngựa con đến chỗ bú, bởi thời điểm đó, cả ngựa mẹ và ngựa con đều rất nhạy cảm.
Ngựa con sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn như cai sữa, cai mẹ… trong khoảng 3-4 năm mới có thể được đưa vào huấn luyện. Khi đó, các xương, khớp của ngựa mới phát triển cứng cáp, khi đưa vào huấn luyện sẽ không gây tật. Ngựa có phẩm chất tốt sẽ được giữ lại lấy giống, còn những con thấp hơn sẽ được đưa đi huấn luyện.
Theo đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng đoàn CSCĐ kỵ binh, nhiệm vụ của Đoàn CSCĐ kỵ binh là tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn, đấu tranh truy bắt các tội phạm truy nã đang ẩn náu, lẩn trốn trong khu vực rừng núi, biên giới; tham gia các nghi lễ cấp quốc gia đón các nguyên thủ, diễu hành, hội thao.
Ngoài ra, ngựa của đội còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, quân lương phục vụ quá trình điều tra, chiến đấu, cứu nạn cứu hộ của chiến sĩ.
Đặc điểm của giống ngựa được Bộ Tư lệnh CSCĐ lựa chọn có sức khỏe tốt, dẻo dai, chịu được điều kiện khắc nghiệt, khả năng thích nghi nhanh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cscd-thuan-hoa-ngua-chien-bat-kham-post1107646.html