Cảnh sát giao thông được xử phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Cảnh sát giao thông được phạt tối đa bao nhiêu tiền với các lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vấn đề nhiều người thắc mắc.
Cảnh sát giao thông được phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Theo Điều 76 và khoản 2 Điều 78 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm của cảnh sát giao thông được giới hạn như sau:
Chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ có quyền xử phạt tối đa 500 nghìn đồng đối với vi phạm của cá nhân và 1 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Đội trưởng đội cảnh sát giao thông có quyền xử phạt tối đa 1,5 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và 3 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Trưởng đồn Công an có quyền xử phạt tối đa 2,5 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và 5 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát Giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt tối đa 15 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và 30 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt tối đa 37,5 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và 75 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông có quyền xử phạt tối đa 75 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và 150 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Cảnh sát giao thông có được phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản?
Theo khoản 1 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định:
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Tại khoản 1 Điều 56 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Như vậy, pháp luật quy định mức phạt tiền tối thiểu để cảnh sát giao thông lập biên bản là trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức. Còn với trường hợp phát hiện vi phạm tại chỗ mà mức phạt dưới 250.000 đồng thì không cần lập biên bản. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông vẫn ra quyết định xử phạt tại chỗ làm căn cứ cho người vi phạm nộp phạt.
Như vậy, theo các quy định trên, mức phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể thi hành quyết định xử phạt tại chỗ.
Trường hợp, nếu không thể thi hành quyết định xử phạt tại chỗ thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Ngoài ra, tại điểm c khoản 1; khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
Minh Hoa (t/h)