'Cánh tay nối dài' chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới (bài 3)

Trải qua thời gian, các phòng khám quân dân y kết hợp của BĐBP đã chứng minh được tính hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở y tế của BĐBP đang gặp nhiều khó khăn về đảm bảo nguồn vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm, có chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế của BĐBP phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bài 3: Phát huy hiệu quả phòng khám quân dân y kết hợp

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Ở những địa bàn biên giới khó khăn, giao thông cách trở, các phòng khám quân dân y kết hợp của lực lượng BĐBP đang trở thành địa chỉ tin cậy góp phần khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, đội ngũ y, bác sĩ mang quân hàm xanh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ, nhân viên y tế địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Do thiếu nguồn thuốc, cán bộ Phòng khám quân dân y kết hợp bản Huồi Bắc gặp nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Viết Lam

Do thiếu nguồn thuốc, cán bộ Phòng khám quân dân y kết hợp bản Huồi Bắc gặp nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Viết Lam

Trở lại với câu chuyện tại Phòng khám quân dân y kết hợp Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk do bác sĩ, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh đang phụ trách. Những năm qua, cơ sở y tế của BĐBP Đắk Lắk thường xuyên khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc tại các xã khó khăn như: Ia Lốp, Ia Jlơi, Ea Bung và Cư Mlan (huyện Ea Súp). Cụ thể, chỉ tính từ năm 2021 đến nay, bác sĩ Linh đã trực tiếp khám và điều trị miễn phí cho 1.728 lượt người dân. Phòng khám còn thực hiện phối hợp với trạm y tế các xã và trung tâm y tế huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết, sốt rét.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê chia sẻ rằng, trong điều kiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trạm y tế xã còn hạn chế về cơ sở vật chất, chưa có bác sĩ phụ trách, do đó, phòng khám quân dân y của BĐBP đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Mặc dù được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao trong thực hiện nhiệm vụ nhưng khi được hỏi, bác sĩ Linh vẫn thẳng thắn thừa nhận những bất cập: “Do nguồn thuốc ít, vật tư thiết bị quá thiếu thốn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã phát huy tối đa vai trò của mình để phục vụ bà con. Tôi mong rằng, chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có cơ chế đảm bảo về mọi mặt để phòng khám quân dân y kết hợp phát huy được hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho nhân dân trên địa bàn”.

Hiện nay, BĐBP Nghệ An có 6 phòng khám quân dân y kết hợp ở những địa bàn biên giới rất khó khăn, sát biên giới Việt Nam - Lào. Những cơ sở y tế này trở thành điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Phòng khám quân dân y kết hợp bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (do Đồn Biên phòng Mỹ Lý phụ trách); Phòng khám quân dân y kết hợp bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (do Đồn Biên phòng Tri Lễ phụ trách)...

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hồ Hữu Thắng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: “Trải qua thời gian dài, các phòng khám quân dân y của BĐBP đã thực hiện rất tốt chức năng hỗ trợ y tế cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, tiêm chủng. Nhưng có một thực tế, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ở địa bàn khó khăn vẫn rất lớn thì phòng khám quân dân y thiếu nguồn đảm bảo vật chất y tế, thuốc chữa bệnh. Chúng tôi đang dựa vào nguồn thuốc cấp cho bộ đội và huy động xã hội hóa.

Hiện nay, phần lớn người dân biên giới đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng do giao thông cách trở, trẻ nhỏ, người cao tuổi lại khó tiếp cận dịch vụ. Nếu như các cơ sở y tế của BĐBP ở vùng sâu, vùng xa được cấp phép phối hợp với trạm y tế xã biên giới khám bệnh ban đầu cho nhân dân theo chính sách bảo hiểm y tế thì sẽ rất hiệu quả”.

Nhìn từ biên giới tỉnh Quảng Nam

Nhiều năm trước, xuất phát từ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã xây dựng Phòng khám quân dân y kết hợp A Xan do Đồn Biên phòng A Xan phụ trách, phục vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn thuốc còn hạn chế nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, đội ngũ quân y đã khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi năm, cơ sở y tế của BĐBP Quảng Nam đã đón tiếp, điều trị cho từ 6.000 đến 8.000 lượt người dân thuộc địa bàn 4 xã: Axan, Tr’hy, Gary, Ch’ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) và các bản giáp biên của huyện Ka Lừm, tỉnh Sekong (Lào). Nhờ hoạt động khám, chữa bệnh hiệu quả, các cơ sở quân dân y góp phần củng cố niềm tin của nhân dân biên giới vào chính quyền địa phương, BĐBP.

Bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí siêu âm cho người bệnh tại Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan. Ảnh: Hồng Anh

Bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí siêu âm cho người bệnh tại Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan. Ảnh: Hồng Anh

Để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của nhân dân trên địa bàn, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định nâng cấp cơ sở y tế trên thành Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan và đầu tư nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn vật tư y tế, hoàn thiện khung pháp lý cho việc hành nghề. Sau 4 năm triển khai, phòng khám được xây dựng với quy mô lớn hơn, lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy tạo oxy tự động, máy hút dịch chạy điện 2 bình, lồng ấp trẻ sơ sinh... với 10 giường cho bệnh nhân lưu trú.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc Trí, Trưởng phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan cho biết: “Hiện nay, phòng khám được biên chế 10 cán bộ, nhân viên, trong số đó có 3 cán bộ quân y của BĐBP Quảng Nam, 7 người khác do ngành y tế địa phương điều động. Chúng tôi được cấp phép khám, điều trị cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Phòng khám cũng có xe cứu thương để chuyển tuyến cho bệnh nhân khi cần thiết. Sắp tới, phòng khám sẽ được biên chế thêm y, bác sĩ để hướng tới việc có thể phẫu thuật viêm ruột thừa, mổ sinh sản. Không chỉ người dân địa phương, rất đông nhân dân các bản làng thuộc huyện Kà Lừm cũng thường xuyên sang đây khám chữa bệnh”.

Thực tế cho thấy, Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan được đầu tư, cấp phép khám, chữa bệnh theo chính sách bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở. Qua đó, bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe và góp phần giảm áp lực cho ngành y tế tuyến trên.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết: “Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp A Xan được địa phương quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho đội ngũ quân y, nhân viên y tế yên tâm hành nghề. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh đã góp phần tô thắm tình cảm quân dân, sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị”.

Viết Lam - Ngọc Lâm - Anh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-tay-noi-dai-cham-soc-suc-khoe-cho-nhan-dan-bien-gioi-bai-3-post470826.html