'Cánh tay' nối dài của Đảng đối với lĩnh vực dân tộc và tôn giáo
'Nhiệm vụ của Bộ Dân tộc và Tôn giáo không chỉ quản lý Nhà nước mà quan trọng hơn là 'cánh tay' nối dài của Đảng đối với lĩnh vực dân tộc và tôn giáo', Đó là chia sẻ của Bí thư Đảng ủy - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.
Quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy
Căn cứ cơ sở thực tiễn và thực hiện Nghị quyết số 18/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tham quan không gian triển lãm về dân tộc và tôn giáo, trưng bày tại sảnh trụ sở Bộ nhân dịp Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ngày 1/3. Ảnh: Hữu Trung
Với nhiều trọng trách quan trọng, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo càng có ý nghĩa quyết định sự thành công của công tác dân tộc và tôn giáo trong giai đoạn mới.
Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tiến hành các quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan tham mưu, giúp việc đảng ủy; bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục của các tổ chức đảng đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, không để bị gián đoạn do sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Đảng bộ đã tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng đề án, dự án và thể chế hóa các văn bản của Đảng trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận, chỉ thị để lãnh đạo thực hiện; chủ động đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời, Đảng bộ cũng thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều chính sách mang tính lịch sử của Đảng, Nhà nước, như: sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền; nỗ lực thực hiện nhiệm vụ là đơn vị thường trực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước...
Đặc biệt, trong công tác tổ chức bộ máy, Đảng bộ, lãnh đạo Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy. Trên cơ sở phương án thành lập và tình hình thực tiễn, Bộ đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong, sáp nhập, giải thể các tổ chức có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Qua đó, Bộ đã giảm được 3 tổ chức cấp vụ và tương đương (đạt 17,6%), giảm 4 tổ chức cấp phòng (đạt 36,3%). Bộ Dân tộc và Tôn giáo có 13 vụ, đơn vị. Trong đó, 9 đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; 4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Có 2 đơn vị được Bộ trưởng thành lập theo thẩm quyền; có 5 đơn vị sự nghiệp công lập (trường chuyên biệt).

Mùa vàng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Tư liệu
Phải là trung tâm, hình mẫu về đoàn kết
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Dân tộc và tôn giáo (tháng 3/2025), Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng vào sự đổi mới, đoàn kết, gắn bó, thành công của công tác dân tộc và tôn giáo trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhận định, nhiệm vụ của Bộ Dân tộc và Tôn giáo không chỉ quản lý Nhà nước mà quan trọng hơn là “cánh tay” nối dài của Đảng đối với lĩnh vực dân tộc và tôn giáo.
“Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tôi xác định đây là lĩnh vực khó khăn, đặc thù, nhưng cũng tràn đầy sinh khí, với tinh thần bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ”, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Trong giai đoạn mới, Đảng bộ Bộ Dân tộc và tôn giáo xác định quyết tâm, chủ động, linh hoạt, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng thời, bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ngừng củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Cùng với đó là xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tại cuộc làm việc với Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất (ngày 2/7), Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đồng tình với chủ đề của Đại hội: “Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; đột phá về thể chế, nhân lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phó Thủ tướng nhận định, chủ đề đại hội có tính khái quát, cô đọng, súc tích, thể hiện được tư tưởng chỉ đạo, tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị của Đảng bộ.
Trong nhiệm kỳ mới, hòa vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo thể hiện quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nhiệm vụ như phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo: “Bộ Dân tộc và Tôn giáo phải là trung tâm, hình mẫu về đoàn kết và lan tỏa tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo động lực, cảm hứng cho sự phát triển bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo…”.