Cạnh tranh bằng chất lượng & bao bì, mẫu mã
Xây dựng quy trình sản xuất chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm áp dụng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Đơn hàng phục vụ tết của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol tăng hơn 300% so với năm ngoái. Kết quả này nhờ vào lợi thế công ty đã áp dụng, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình sản xuất. Công ty đã đầu tư kinh phí xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt chuẩn chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được phát triển để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm). Cuối năm 2022, sản phẩm trà atisô đỏ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Từ những tiêu chuẩn chất lượng được tuân thủ, công ty đầu tư thiết kế thêm bao bì, mẫu mã bắt mắt nữa nên tạo được sự tin tưởng của khách hàng. “Người tiêu dùng hiện nay rất thông thái, sản xuất không đạt được các tiêu chuẩn khắt khe, sản phẩm sẽ không có chỗ đứng”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol khẳng định.
Ngay từ khi thành lập Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển Huefarm đã ưu tiên xây dựng toàn bộ quy trình sản xuất theo những quy trình nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn. CEO Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển Huefarm Lê Thị Anh Thư cho biết, Huefarm tuân thủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong tất cả các khâu sản xuất. Công ty cũng thực hiện hệ thống phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) và đã đạt được chứng nhận ISO. “Chúng tôi có những biện pháp phòng ngừa nguy hiểm, chẳng hạn các sản phẩm hàu rim tỏi ớt, chà bông hàu… chúng tôi phải chế biến tối đa trong vòng 4h từ lúc nhận hàng và đảm bảo nhiệt độ hàu nguyên liệu không vượt quá 40C. Đồng thời, thiết lập các ngưỡng tới hạn của điểm kiểm soát tới hạn quan trọng (CCP) để kiểm soát tốt sản phẩm”, bà Lê Thị Anh Thư chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến sào xứ Huế Anna, các quy trình sản xuất được công ty áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 2200:2018. Hệ thống nhà nuôi yến được thiết kế hiện đại, có thiết bị cài đặt âm thanh tự động để thu hút yến tìm đến sinh sống, làm tổ. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư máy tạo độ ẩm thích hợp làm môi trường sống lý tưởng để đảm bảo sức khỏe cho nguồn giống.
Quy trình chế biến yến sào được đảm bảo đạt tiêu chuẩn ISO 2200:2018 quy định. Yến sau khi thu hoạch được loại bỏ tạp chất bằng cách ngâm tổ yến bằng nguồn nước đã qua xử lý để loại bỏ các vi sinh vật, lông tơ yến. “Quy trình này được chúng tôi áp dụng cho sản phẩm yến sấy khô và ép thành khuôn như hình dạng ban đầu. Quy trình chế biến này vừa đảm bảo vệ sinh an toàn, vừa giữ nguyên được hương vị của yến”, anh Lê Văn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến sào xứ Huế Anna cho biết.
Với sản phẩm nước yến đóng hũ thủy tinh, công ty áp dụng công đoạn tiệt trùng, chưng ở áp suất và nhiệt độ cao để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, gia tăng hạn sử dụng một cách an toàn. “Nhờ áp dụng ISO 2200:2018 giúp chúng tôi vươn tới sự hoàn thiện trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Nhiều đối tác đã tin tưởng tìm đến công ty, đơn đặt hàng tăng lên hàng quý, hàng năm. Năm 2023, sản phẩm yến của công ty vinh dự lọt Top 10 Sao vàng thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi đang mở rộng quy mô sản xuất, quy mô nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Lộc thông tin.
Hiện trên địa bàn tỉnh, có hàng trăm DN, HTX, cơ sở sản xuất được tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế cải tiến năng suất và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, công tác triển khai dự án tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho các DN áp dụng các hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng, đặc biệt là các DN sản xuất thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý tiến tiến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 2200:2018 hay HACCP luôn được sở chủ trọng thực hiện theo từng năm. Sau khi áp dụng, các DN có những hoạt động hiệu quả, năng suất trung bình tăng từ 20 – 30% so với trước khi đầu tư.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm không phải đơn giản, mà cần phải đầu tư về con người, trang thiết bị, hồ sơ và các thủ tục liên quan. Được sự đồng hành, quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ là động lực giúp các DN thuộc lĩnh vực sản xuất thực phẩm có cơ hội tiếp cận đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp DN xây dựng được năng lực cạnh tranh trên thị trường.