Cạnh tranh cùng thắng
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã thăm châu Phi trong 7 ngày từ 9/1-16/1, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước này.
Động thái trên một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc hướng đến Lục địa Đen nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy cam kết của Bắc Kinh tại khu vực. Đây cũng là bằng chứng cho thấy cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi.
Bay nửa vòng Trái Đất, ông Tần Cương đã được chào đón nồng nhiệt tại 5 điểm dừng chân gồm Ethiopia, Gabon, Angola, Benin, Ai Cập, trụ sở Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tần Cương trên cương vị mới, nhưng việc một bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới thăm châu Phi nhân dịp đầu Năm mới là một chính sách đã được thực thi nhiều năm qua, bên cạnh các hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tổ chức 3 năm/lần nhằm tái khẳng định những cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này. Từ cuối những năm 1990, Bắc Kinh đã tăng cường các cam kết thương mại, đặc biệt thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) năm 2013. Các hoạt động chủ yếu gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty của Trung Quốc thiết kế và xây dựng với nguồn lực từ các công ty năng lượng và khai mỏ của Trung Quốc. Trong khi với một số nước như Ethiopia, Angola và Zambia có vị trí ưu tiên, Trung Quốc cũng đã gia tăng sự hiện diện ở hầu hết các quốc gia trong châu lục. Kể từ đầu thế kỷ mới, Trung Quốc đã xây dựng hơn 6.000 km đường sắt, 6.000 km đường bộ, gần 20 cảng và hơn 80 cơ sở điện lớn ở châu Phi, hỗ trợ xây dựng hơn 130 bệnh viện và phòng khám, hơn 170 trường học, 45 sân vận động và nhà thi đấu và hơn 500 dự án nông nghiệp ở châu Phi. Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/8 sản lượng công nghiệp của toàn châu lục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với các nền tảng để người dân châu Phi kết nối và liên lạc với nhau.
Trong chuyến công du kéo dài tuần qua, bên cạnh những thỏa thuận hợp tác về mọi mặt kinh tế, thương mại, hạ tầng, năng lượng, y tế và văn hóa…, ông Tần Cương đã kêu gọi nâng cao vai trò của châu Phi trong quản trị toàn cầu, nhấn mạnh châu lục này cần có vai trò lớn hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các cơ quan quốc tế khác để đảm bảo hệ thống quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn. Ông Tần Cương đã khẳng định Trung Quốc luôn cam kết hỗ trợ châu Phi giảm bớt áp lực nợ nần, tích cực tham gia sáng kiến đình chỉ nợ của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ký kết các hiệp định và đạt được thỏa thuận đình chỉ nợ với 19 quốc gia châu Phi. Đây là số tiền nợ được đình chỉ lớn nhất mà các quốc gia thành viên G20 thực hiện. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan góp phần giảm bớt áp lực nợ nần của châu Phi theo nguyên tắc “cùng hành động và cùng gánh trách nhiệm”.
Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Tần Cương là một động thái nhằm gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi. Chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi giữa tháng 12/2022, đưa ra cam kết “tất cả vì tương lai của châu Phi” cùng với khoản đầu tư 55 tỷ USD của Washington vào châu Phi trong 3 năm tới, với hơn 15 tỷ USD nhằm thực hiện các cam kết thương mại và đầu tư bổ sung trong lĩnh vực tư nhân. Nhìn về con số, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỷ USD trong năm 2021, gấp 4 lần thương mại Mỹ - châu Phi. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất (gấp đôi đầu tư của Mỹ), và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại châu lục này. Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến Tái thiết thế giới (B3W) tháng 6/2021, một sáng kiến “dựa trên các giá trị” nhằm đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, dự kiến huy động khoảng 300 tỷ euro đến năm 2027 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới, cũng để cạnh tranh với BRI.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi không hẳn là đối đầu mà có thể vẫn song hành, bổ trợ lẫn nhau. Cam kết của Trung Quốc tại châu Phi chủ yếu liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng hóa, trong khi cam kết của Mỹ tập trung vào trao đổi công nghệ cao hơn và dịch vụ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nhân lực và quản trị. Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng có thể giúp giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và mở rộng quy mô thị trường khu vực, tăng cơ hội để các công ty Mỹ cũng như bản địa làm ăn kinh doanh. Cách tiếp cận và đầu tư của Mỹ và Trung Quốc không tương phản với nhau. Các cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cũng từng bác bỏ những ý kiến cho rằng đây là cuộc cạnh tranh phải phân ra người thắng, kẻ bại, mà có thể sẽ là cuộc cạnh tranh cùng thắng.
Có thể thấy hai nước sẽ cạnh tranh ngày càng mạnh hơn về thương mại nếu các doanh nghiệp Mỹ tăng cường cam kết vào các thị trường tại châu Phi. Sự cạnh tranh không phải ở lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, nơi Trung Quốc có lợi thế chi phí thấp và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại châu Phi, mà sẽ cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực y tế, công nghệ tài chính và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có thể đem lại lợi ích cho các nước châu Phi. Các chính phủ châu Phi có thể đàm phán những điều khoản thương mại thuận lợi hơn, các cộng đồng dân cư sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương, chuyển giao công nghệ với các đối tác bản địa và góp phần vào các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng của người lao động. Chính vì vậy mà hầu hết nước châu Phi đều mong muốn có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng là Washington và Bắc Kinh có sẵn sàng cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của châu Phi khi thúc đẩy hợp tác tại khu vực này hay không.