Cạnh tranh giữa lao động trí thức và AI: Liệu sẽ có hồi kết?
Cùng với đà phát triển trí tuệ nhân tạo là thực tế suy giảm việc làm cho nhóm lao động trí thức, liệu hiện tượng này có trở thành xu thế lâu dài và không thể đảo ngược hay không?
Theo tờ The New York Times, số liệu kinh tế cho thấy nhóm lao động trí thức đang dần mất đi vị thế trên thị trường lao động, trong bối cảnh các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển bùng nổ.
Điều này đã khiến một số chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi rằng liệu công việc dành cho lao động trí thức có đang suy giảm vĩnh viễn hay không.
Thất nghiệp tăng
Bài viết của The New York Times dựa trên các số liệu và thực tế thị trường lao động tại Mỹ - vốn được đánh giá là sôi động bậc nhất toàn cầu. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Mỹ) cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ đã tăng, từ mức 2% vào tháng 9-2022 lên 2,6% cuối năm 2024.

Tỉ lệ thất nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ tăng đáng kể trong vòng 2 năm qua. Ảnh: GETTY IMAGES
Một phân tích của bà Julia Pollak - nhà kinh tế trưởng của công ty tuyển dụng ZipRecruiter (Mỹ) - cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở những người có bằng cử nhân hoặc bằng từ các trường đại học, trong khi tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức ổn định hoặc giảm ở những người có trình độ học vấn cao hơn hẳn hoặc những người không có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Viện ADP Research - một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường lao động quốc tế - tỉ lệ tuyển dụng đối với những công việc yêu cầu bằng đại học ở Mỹ cũng đã tăng trưởng chậm hơn so với các công việc khác.
Tỉ lệ thất nghiệp trong ngành công nghệ và các ngành liên quan đã tăng gấp rưỡi từ năm 2022 đến năm 2024, từ 2,9% lên 4,4%. Trong đó, ngành sản xuất game điện tử là ngành chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng nhất của xu thế sụt giảm.
Theo The New York Times, trong hai năm qua ngành này đã phải chứng kiến xu thế sa thải quy mô lớn. Đầu năm 2024, tập đoàn Microsoft đã sa thải 1.900 nhân viên tại hai công ty con về game là Activision Blizzard và Xbox, theo hãng tin Reuters.
Tỉ lệ thất nghiệp trong ngành tài chính cũng đã tăng khi lãi suất tăng làm giảm nhu cầu vay vốn và các công ty tài chính tìm cách tinh gọn nhân sự.
Khoảng cách về tiền lương giữa những người có bằng đại học và những người không có bằng đại học cũng đã có sự thay đổi đáng chú ý: khoảng cách tăng đều đặn bắt đầu từ năm 1980, nhưng đã giảm dần trong 15 năm qua, mặc dù chênh lệch tiền lương giữa hai nhóm vẫn ở mức cao.
Tương lai khó đoán
Tình trạng sụt giảm việc làm, đặc biệt ở các ngành đòi hỏi lao động trí thức như trên đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế về việc liệu đây chỉ là diễn biến tạm thời hay sẽ là một xu thế không thể đảo ngược?
Một số nhà kinh tế khẳng định rằng những xu hướng này chỉ mang tính chất ngắn hạn và không đáng lo ngại. Ông Lawrence Katz - GS kinh tế học tại ĐH Harvard (Mỹ) - lưu ý rằng sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp đối với những người lao động có trình độ đại học chỉ lớn hơn một chút so với mức tăng tỉ lệ thất nghiệp nói chung ở Mỹ, và tỉ lệ thất nghiệp của cả hai nhóm vẫn ở mức thấp so với các giai đoạn trong lịch sử.

Một số nhà kinh tế khẳng định rằng những xu hướng sụt giảm việc làm cho lao động trí thức ở Mỹ chỉ mang tính chất ngắn hạn và không đáng lo ngại. Ảnh: AFP
Một số nhà kinh tế học khác thì cho rằng tỉ lệ thất nghiệp ở người có bằng đại học có thể phản ánh một phần thực tế là đang có thêm nhiều lao động có trình độ đại học hơn xuất hiện trên thị trường lao động mỗi ngày.
Song một số nhà kinh tế lại cho rằng hiện tượng suy giảm việc làm trí thức phản ánh một thực tế là nhu cầu của các nhà tuyển dụng đối với những người tốt nghiệp đại học đang giảm trong bối cảnh công nghệ phát triển ngày một tinh vi. Điều này càng có ý nghĩa to lớn, giữa lúc sự phát triển mạnh mẽ AI có thể sẽ giúp tăng cường tự động hóa các công việc văn phòng, đưa hiện tượng trên thành xu thế lâu dài.
Một bài nghiên cứu đăng tải trên trang web Mạng lưới nghiên cứu khoa học xã hội (SSRN) vào tháng 2-2025 nêu phát hiện rằng các nhà phát triển phần mềm có sử dụng trợ lý AI cho công việc đã cải thiện năng suất của mình lên hơn 25% và mức tăng năng suất lớn nhất nằm ở nhóm những nhà phát triển có ít kinh nghiệm nhất.
Kết quả cũng cho thấy rằng việc áp dụng AI có thể làm giảm mức lương thưởng mà những người phát triển phần mềm có nhiều kinh nghiệm hơn được hưởng, vì sự hỗ trợ từ AI sẽ giúp những người mới vào nghề nhanh chóng thu hẹp cách biệt về năng suất của họ so với những người đã làm lâu năm.
Một số nhà khoa học cảnh báo rằng các lãnh đạo công ty công nghệ và các nhà đầu tư có thể sẽ đuổi theo xu hướng coi AI là một phương thức thay thế lâu dài cho nhân sự trí thức trong tương lai. Một kỹ sư phần mềm không nêu tên tại một công ty công nghệ lớn cho biết nhóm của anh chỉ còn khoảng một nửa quy mô so với năm ngoái và anh cùng các đồng nghiệp được kỳ vọng sẽ hoàn thành khối lượng công việc như cũ bằng cách dựa vào trợ lý AI.
GS Katz lưu ý thêm rằng nguồn công việc từ các cơ quan của chính phủ liên bang cũng là một chỗ dựa lớn cho các lao động trí thức hiện nay ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Katz đánh giá những nỗ lực tinh giản bộ máy mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay “có khả năng sẽ có tác động rất lớn" đến tình hình tuyển dụng của giới lao động trí thức trong tương lai.