Cạnh tranh hút CASA ngày một 'nóng'
Cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA), dòng vốn có chi phí rất rẻ, giữa các nhà băng quyết liệt hơn, bởi CASA càng cao, biên lãi ròng càng lớn.
Bám đuổi quyết liệt
Số liệu mới nhất về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê đến cuối tháng 1/2024 cho biết, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua) đạt 15.999.293 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có số dư là 6.676.544 tỷ đồng, giảm 2,41% so với cuối năm 2023; tiền gửi của dân cư là 6.498.068 tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm 2023.
Báo cáo tài chính quý I/2024 của 27 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng trong nhóm Big4 vẫn dẫn đầu trong việc thu hút tiền gửi, với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chiếm gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống. Trong đó, BIDV dẫn đầu về số dư tiền gửi, với hơn 1,7 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2024, tăng 1,8% so với cuối năm 2023. Đứng thứ 2 là VietinBank, với số dư tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 1,2% so với đầu năm. Tiếp theo là Vietcombank, với tổng tiền gửi khách hàng ở mức 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 3,4% so với đầu năm.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, MB tiếp tục dẫn đầu về số dư tiền gửi, với 558.826 tỷ đồng vào cuối quý I/2024, giảm 1,5% so với đầu năm. Sacombank đạt 533.358 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 4,4% so với đầu năm. Cùng mốc thời gian, ACB ghi nhận mức tăng 2,1% của tiền gửi, lên 492.804 tỷ đồng. Tiếp theo là Techcombank, đạt 458.040 tỷ đồng, tăng 0,8%; VPBank đạt 455.817 tỷ đồng, tăng 3%; SHB đạt 444.297 tỷ đồng, giảm 0,7%; HDBank đạt 378.789 tỷ đồng, tăng 2,2%. LPBank ghi nhận mức tăng mạnh tiền gửi trong quý I, với tỷ lệ 10,4%, với việc thu hút được 261.994 tỷ đồng. SeABank có 154.371 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 6,6% so với đầu năm; VietA Bank đạt 88.080 tỷ đồng, tăng 1,6%...
Cũng liên quan đến vấn đề tiền gửi, một chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng có diễn biến trái chiều, khi có đến hơn một nửa số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong quý vừa qua. Cụ thể, tỷ lệ CASA của Techcombank tính đến cuối quý I/2024 đạt 40,1%; MB đã lùi xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ 36,1%, giảm 3,5% so với cuối năm 2023. Tiếp theo là Vietcombank, đạt 33,2%, giảm 0,7% so với mức 33,9% vào cuối năm 2023.
CASA của BIDV đạt 18,5%, giảm 1,3%; Sacombank đạt 18,3%, giảm 0,1%; VPBank đạt 14,4%, giảm 3%. Trong nhóm ngân hàng giảm tỷ lệ CASA, còn có PGBank, giảm 3,6%; HDBank giảm 2,6%; SHB và VietBank giảm 2,3%; Bac A Bank và Eximbank giảm 1,9%; Nam A Bank giảm 1,3%; KienlongBank giảm 0,6%; SeABank giảm 0,2%…
MSB vẫn duy trì vị trí thứ 4 trong Top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 29,2%, tăng 2,9% so với cuối năm ngoái. Tiếp theo, TPBank đạt 24,4%, tăng 1,8% so với cuối năm 2023 và một số ngân hàng có tỷ lệ CASA tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Nhận định về xu hướng giảm sút CASA, các chuyên gia phân tích cho rằng, không có nhiều yếu tố bất ngờ bởi tính đến cuối quý I/2024, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng trưởng khoảng 1,34% so với cuối 2023, trong đó tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm (âm 0,72%). Đây là con số thấp nhất từng ghi nhận kể từ 2016 đến nay, cho thấy nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh chóng. Điều này cũng được thể hiện qua việc tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 ước tính tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực tư nhân (chiếm hơn 50% vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng trưởng 4,2% cùng kỳ năm ngoái.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Tăng trưởng tín dụng giảm dẫn đến tỷ lệ CASA giảm tương ứng có thể mang tính chất mùa vụ, nhưng bên cạnh đó, còn có câu chuyện cạnh tranh về tỷ lệ CASA của các ngân hàng truyền thống, dựa trên nền tảng công nghệ đã đến điểm bão hòa, chưa kể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các dịch vụ ngân hàng kiểu mới”.
Tạo lợi thế bằng ngân hàng số và chính sách phí
Phí dịch vụ ngân hàng không phải là khái niệm mới, tuy nhiên, phải đến gần đây, nhiều người mới thật sự quan tâm bản thân đang chi trả những khoản phí nào. Tùy loại tài khoản và chính sách của từng ngân hàng, phí dịch vụ sẽ có sự chênh lệch nhất định. Với việc mở tài khoản sẽ bao gồm các loại phí: phí mở tài khoản, phí duy trì, quản lý, phí đóng tài khoản, phí tin nhắn SMS biến động số dư… Đối với thẻ tín dụng, khách hàng cũng thanh toán các khoản phí tương tự như trên. Tuy nhiên, một số khoản phí như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt tại cây ATM… sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với thẻ thanh toán thông thường.
Chị Phương Anh (29 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cho biết, cộng dồn mỗi tháng, con số chi trả cho các khoản phí dịch vụ ngân hàng là không hề nhỏ, thậm chí có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm hay giá trị ưu đãi của thẻ tín dụng. Để giải quyết bài toán phí dịch vụ ngân hàng, chị đã tìm đến dịch vụ ngân hàng số. Mở tài khoản ngân hàng số Cake by VPBank, gần 3 năm nay, chị chưa từng phải đóng bất kỳ phí dịch vụ nào.
Thực tế, ngay tại thời điểm ra mắt, Cake by VPBank ghi dấu ấn với thị trường khi là một trong số ít những ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí trong mọi giao dịch, từ phí mở tài khoản, phí phát hành thẻ tận nhà, phí dịch vụ, phí quản lý, đến phí chuyển tiền, phí tin nhắn SMS… Song song đó, khách hàng còn được miễn phí rút tiền mặt trên toàn quốc và đối với thẻ tín dụng Cake, khách hàng được miễn phí phát hành, đồng thời miễn 100% phí thường niên nếu đạt điều kiện quy định…
Bắt nhịp với xu thế ngân hàng mở (Open Banking) để dịch vụ của ngân hàng sẽ không chỉ tồn tại trên kênh thuộc sở hữu của ngân hàng, mà còn được “nhúng”, tích hợp trên phần mềm của bên thứ ba đem đến sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết: “Thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API”.
Còn ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành MB cho biết, dịch vụ BAAS MB cho phép doanh nghiệp quản trị trực quan với các thông tin giao dịch chi tiết theo thời gian biến động thực tế giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, tích hợp BAAS MB, doanh nghiệp có thể có được sản phẩm mới, ví dụ như việc tích hợp API, các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng bán hàng có thể đa dạng hóa chức năng vận hành và hiệu quả quản lý để cung cấp cho khách hàng.
Có thể thấy, để tăng CASA, các ngân hàng gần như đồng loạt thực hiện chính sách “zero fee” để thu hút thêm lượng khách hàng mới; đồng thời, không ngừng cập nhật các công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, điều đáng nói là chiến lược tập trung vào bán lẻ tại các ngân hàng gần như tương đồng. Nếu từng ngân hàng không có chiến lược khác biệt sẽ mất dần ưu thế thu hút CASA.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/canh-tranh-hut-casa-ngay-mot-nong-post345970.html