Cạnh tranh khốc liệt, ngành bán lẻ vẫn hấp dẫn
Thị trường không thiếu những 'đại gia' trong và ngoài nước đang cạnh tranh khốc liệt, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm đầu các ngành hấp dẫn vốn ngoại lớn nhất. Điều gì đang tạo ra sức hút của ngành này như vậy?
Mới đây, BGF Retall Co., nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc CU, cho biết đã ký hợp đồng nhượng quyền với CUVN, một nhà điều hành cửa hàng tiện lợi có trụ sở tại Việt Nam được hỗ trợ bởi các công ty địa phương bao gồm nhà bán lẻ SNB. Dự kiến, cửa hàng tiện lợi đầu tiên với thương hiệu CU sẽ chính thức khai trương vào tháng 6/2020.
Hấp lực từ “miếng bánh ngon”
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết trong 9 tháng năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,4 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 3 trong nhóm ngành hút vốn ngoại nhiều nhất.
Đầu tháng 9 vừa qua, GIC (Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore) đã đầu tư 500 triệu USD (11.600 tỷ đồng) để sở hữu một lượng cổ phần thiểu số tại CTCP Phát triển thương mại và Dịch vụ VCM (đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+).
Trước đó, hồi cuối năm 2018, sàn thương mại điện tử Sendo cũng nhận được 51 triệu USD từ Tập đoàn SBI Holdings (Nhật Bản) và một số doanh nghiệp (DN), quỹ đầu tư châu Á khác....
Điều gì khiến ngành bán lẻ Việt Nam hấp dẫn, dù không ít “ông lớn” phải rời bỏ cuộc chơi? Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, Philipines là 33%, Thái Lan: 34%, Malaysia: 60%, Singapore: 90%...).
Đồng thời, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA..., cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các DN nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang trên đà phát triển và việc ký kết những FTA... Tất cả những điều kiện thuận lợi này đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.
Đặc biệt, dù cạnh tranh khốc liệt nhưng với tình hình thực tế phân bố dân cư ơ Việ tNam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt, có nhiều dư địa để phát triển. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại (TTTM); cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 5/2018, Việt Nam hiện có 813 đô thị các loại, bao gồm cả các đô thị đặc biệt là khu kinh tế, khu công nghiệp và dự báo sẽ đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa. Như vậy, sự phát triển này sẽ tạo ra không gian lý tưởng cho phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại nói riêng và thị trường bán lẻ trên toàn quốc nói chung.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn rất cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay đạt tốc độ tăng cao (11,6%) so với cùng kỳ năm trước, thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.
“Miếng bánh ngon” cũng đồng nghĩa với cạnh tranh sẽ khốc liệt. Thực tế, không ít DN bán lẻ đã phải rời bỏ cuộc chơi. Trong bối cảnh như vậy, các DN bán lẻ Việt Nam sẽ phải tìm ra cách đi riêng để cạnh tranh và tồn tại.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam có tới 96% là DN nhỏ và vừa, trong đó hơn 60% là DN siêu nhỏ. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các DN hoạt động trong ngành là siêu nhỏ.
Lĩnh vực bán buôn bán lẻ đứng thứ 3 nhóm ngành hút nhiều vốn ngoại nhất trong 9 tháng năm 2019
Doanh nghiệp Việt chủ động thích ứng
Các DN bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đánh giá điểm nổi bật trong thị trường bán lẻ Việt Nam chính là sự cạnh tranh: kênh bán lẻ truyền thống cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại, DN trong nước với DN nước ngoài, bán hàng trực tiếp với bán hàng online.
Thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, đã và đang đầu tư khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Nếu DN Việt Nam không chủ động có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.
Để cạnh tranh, Hapro chọn cách đầu tư chuỗi bán lẻ, chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích trên cơ sở tận dụng thế mạnh của DN, không quá chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và phát triển về quy mô, tránh đối đầu cạnh tranh trực diện với các chuỗi bán lẻ nước ngoài lớn tại thị trường Việt Nam.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam, cho rằng các DN bán lẻ muốn phát triển cần nghiên cứu xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp cho khách hàng sự trải nghiệm liền mạch; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cơ hội cho nhãn hiệu riêng hoặc sản phẩm phân phối độc quyền; khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng.
Đối với mô hình cửa hàng nhỏ, cần có hiểu biết sâu sắc về người mua hàng nhằm vào 4 yếu tố cơ bản như tối ưu danh mục sản phẩm (bán chạy và đặc thù), đánh giá đồng tiền, tiết kiệm thời gian và khuyến khích mua sắm thường xuyên. Đặc biệt, đảm bảo yếu tố mới lạ về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.
Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho các nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng đang phát triển nhanh như hiện nay ở trên thế giới.
Tại Việt Nam, từ 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống. Xu hướng vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp... sẽ trở nên phổ biến.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam
Việt Nam đang tiến đến xây dựng một ngành công nghiệp bán lẻ thời hội nhập với đủ các định dạng bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm, cửa hàng giá rẻ, bán lẻ trực tuyến. Do vậy, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn M&A trong khu vực.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc Hapro
Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đồng thời để các DN có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội
Các nhà bán lẻ Việt cần nắm bắt công nghệ tiếp thu nhanh và hiệu quả các kinh nghiệm của các nước đi trước để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình ngay ở thị trường nội địa. Nhà nước cũng cần hỗ trợ để có những tập đoàn lớn và bán lẻ có đủ lực để dẫn dắt thị trường.