Cạnh tranh trên sàn TMĐT không chỉ chờ vào chính sách

Trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới ngày càng mở rộng, yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa không chỉ đến từ giá bán mà còn liên quan đến thương hiệu, mẫu mã, trải nghiệm mua sắm và năng lực vận hành.

Sự thay đổi trong chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua TMĐT từ 2 triệu đồng xuống 1 triệu đồng đang gây tranh cãi, nhiều nhà bán hàng nội địa vẫn tỏ ra lo lắng về thế mạnh cạnh tranh giá cả trong nước.

Thêm vào đó, khi thương mại Mỹ - Trung leo thang, lượng hàng hóa dư thừa lớn từ Trung Quốc sản xuất cũng được lo ngại sẽ đổ dồn về một số nước lân cận qua TMĐT xuyên biên giới, gây áp lực không nhỏ cho nhà bán hàng nội địa.

Hướng đến sân chơi thương mại minh bạch

Trong quí 1-2025, theo số liệu từ Metric.vn, nền tảng phân tích dữ liệu, tổng số nhà bán hàng hoạt động trên bốn sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop ước đạt hơn 470 nghìn shop, giảm khoảng 7,45% so với cùng kì năm 2024 (số liệu năm 2024 lấy từ 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop và Sendo).

Đây là mức giảm đáng kể và cũng thể hiện thị trường đang bước vào giai đoạn sàng lọc, trong đó các nhà bán thiếu lợi thế cạnh tranh, mô hình vận hành yếu hoặc không tối ưu được chi phí đang dần rời cuộc chơi.

Cũng theo nền tảng này, trong năm 2024, hơn 324 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với năm trước. Những mặt hàng này chủ yếu thuộc ngành làm đẹp, thời trang, với giá trung bình chỉ khoảng 43.000 đồng/sản phẩm.

Luật sư Trần Thị Huyền Trân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Riway, cho biết việc giảm ngưỡng miễn thuế nhập khẩu từ 2 triệu xuống 1 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu cá nhân sẽ tác động rõ rệt đến thị trường thương mại điện tử, nhất là nhóm hàng giá rẻ nhập nhỏ lẻ từ Trung Quốc, Hàn Quốc qua bưu điện, chuyển phát nhanh.

Trước đây, hàng đặt từ các nền tảng như Taobao, 1688, TikTok, AliExpress… thường không chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT), tạo nên lợi thế chi phí cho người bán hàng “xách tay”, hàng giá rẻ. Việc hạ ngưỡng xuống 1 triệu đồng khiến các đơn hàng vượt mức phải chịu thuế, chi phí đội lên, kéo theo lợi nhuận giảm, sức cạnh tranh yếu hơn so với hàng nội địa hoặc hàng chính hãng.

Với người tiêu dùng, mua hàng xuyên biên giới sẽ không còn rẻ như trước, khi thuế có thể được áp ngay tại khâu giao nhận. Thói quen tiêu dùng vì thế sẽ dần dịch chuyển sang hàng có sẵn trong nước.

Về dài hạn, thị trường TMĐT sẽ phải minh bạch hơn. Người bán muốn tồn tại buộc phải làm việc với nhà cung cấp có pháp lý rõ ràng, tính đủ thuế vào giá bán hoặc chuyển hướng sang hàng nội địa. Họ phải nhanh chóng cập nhật và điều chỉnh, nếu không rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi vì không còn hưởng được lợi thế chi phí ngầm như trước kia.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Tín Lê, chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, CEO Adtek Growth Marketing Agency, cho biết dưới góc nhìn thực tiễn thị trường, ngưỡng miễn thuế 1 triệu đồng/đơn hàng vẫn được cho là khá cao so với hành vi mua sắm xuyên biên giới hiện nay.

Nhiều nhà bán hàng giá rẻ, hàng nhập khẩu với giá trị đơn hàng nhỏ cần nắm rõ những quy định mới. Ảnh: Hoàng An

Nhiều nhà bán hàng giá rẻ, hàng nhập khẩu với giá trị đơn hàng nhỏ cần nắm rõ những quy định mới. Ảnh: Hoàng An

Theo dữ liệu nội bộ từ một số nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Shopee Global, giá trị đơn hàng trung bình (AOV) tại Việt Nam chỉ dao động từ 4-5 đô la Mỹ, tương đương 100.000-130.000 đồng.

Đây là mức giá phổ biến cho các mặt hàng như phụ kiện điện thoại, đồ gia dụng nhỏ, quần áo giá rẻ và thời trang nhanh. Như vậy, phần lớn đơn hàng xuyên biên giới vẫn nằm dưới ngưỡng 1 triệu đồng và có thể không chịu tác động trực tiếp từ quy định mới.

Tuy nhiên, giới hạn miễn thuế 48 triệu đồng/năm lại là yếu tố được đánh giá có tính điều tiết rõ rệt hơn. Dù mỗi đơn dưới 1 triệu đồng vẫn được miễn thuế, nhưng mỗi cá nhân chỉ được hưởng tiêu chuẩn này với tổng giá trị tối đa 48 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến nhóm kinh doanh hàng xách tay, gom đơn nhỏ lẻ hoặc mua hàng với số lượng lớn để bán lại.

Nếu cơ quan quản lý có thể định danh chính xác người nhận thông qua mã số thuế hoặc căn cước công dân, chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch. Ngược lại, việc lách luật bằng cách chia đơn hoặc mượn danh người thân có thể làm giảm hiệu quả thực thi, ông Tín nói thêm.

Nâng cao năng lực bền vững, không chỉ chờ vào chính sách

Sau 5 năm kinh doanh online với hàng gia dụng, thời trang nhập từ Trung Quốc, chị Yến Ly (TPHCM) nhận thấy hoạt động buôn bán ngày càng siết chặt và đòi hỏi nhiều kiến thức hơn. “Nếu mới bắt đầu bây giờ, người bán không thể chỉ mua đi bán lại mà phải hiểu rõ sản phẩm, xu hướng và thị trường trong nước,” chị nói.

Hiện chị hợp tác với đơn vị logistics chuyên nhập hàng từ Quảng Châu. Tuy nhiên, doanh thu đầu năm nay đã giảm 20%, lượng đơn hàng mỗi ngày chỉ còn khoảng 200 đơn so với cùng kỳ năm ngoái. Để thích ứng, chị tính toán tăng sản lượng nhập để giảm chi phí, đồng thời tìm nguồn hàng mới có tính cạnh tranh và lên kế hoạch kết hợp sản xuất trong nước, xây dựng thương hiệu riêng nhằm chủ động hơn trong bối cảnh thuế quan khó lường.

Dù lo ngại hàng giá rẻ dư thừa có thể đổ về Việt Nam, chị cho rằng người tiêu dùng ngày nay ưu tiên các bên có chính sách đổi trả, tư vấn tin cậy, nên người bán vẫn còn cơ hội nếu đầu tư đúng hướng trong nước.

Dữ liệu của Metric.vn trong quý 1-2025 cho thấy, các nhà bán có địa chỉ kho đặt tại nước ngoài trên sàn Shopee chỉ chiếm khoảng 5,85% doanh số và 13,06% sản lượng. Tuy không chiếm tỉ trọng quá lớn, nhưng đây là nhóm nhà bán có lợi thế lớn về giá và mẫu mã, đặc biệt trong các ngành hàng như làm đẹp, phụ kiện, thời trang.

Đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn, việc giảm ngưỡng miễn thuế xuống 1 triệu đồng có thể khiến giá bán tăng lên nếu thuế suất nhập khẩu bắt đầu được áp dụng, từ đó giảm bớt lợi thế cạnh tranh về giá của hàng ngoại so với hàng nội địa.

Điều quan trọng là liệu sự thay đổi này có đủ để giúp doanh nghiệp trong nước giành lại thị phần hay không, bởi yếu tố cạnh tranh trên TMĐT không chỉ đến từ giá bán mà còn liên quan đến thương hiệu, mẫu mã, trải nghiệm mua sắm và năng lực vận hành.

Trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới ngày càng mở rộng, doanh nghiệp nội địa cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững thay vì chỉ kỳ vọng vào điều chỉnh chính sách.

Từ góc nhìn của luật sư Huyền Trân, bà chỉ ra người bán hàng trên các sàn TMĐT hiện chịu nhiều áp lực cùng lúc từ chi phí nền tảng tăng, thuế phí siết chặt, giá nhập hàng leo thang, tỉ lệ hoàn đơn cao, trong khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều người buộc phải lựa chọn giữa giảm lợi nhuận hoặc tìm cách tăng doanh số. Đây là điều không dễ khi nhà bán hàng thiếu vốn, kỹ năng hoặc nguồn lực.

Bên cạnh đó, chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” không còn phù hợp. Người bán cần nắm rõ biên lợi nhuận thực tế, kiểm soát chi phí từ thuế, vận chuyển, hoàn đơn đến các khoản khấu trừ khác. Bà chỉ ra thay vì mở rộng tràn lan, xu hướng bền vững là tối ưu sản phẩm, chọn hàng dễ vận chuyển, ít hoàn đơn, có thể cá nhân hóa hoặc tạo nội dung thu hút.

Các doanh nghiệp, nhà bán hàng có thể quay về khai thác thị trường sản xuất trong nước để tạo lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Hoàng An

Các doanh nghiệp, nhà bán hàng có thể quay về khai thác thị trường sản xuất trong nước để tạo lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Hoàng An

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, có tới 58% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi thêm 10-20% cho sản phẩm chất lượng cao hơn. Tương tự, khảo sát của Nielsen năm 2023 cũng cho thấy 64% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, đặc biệt trong các ngành hàng như mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng.

Ông Tín Lê cho rằng xu hướng này đã hiện diện rõ nét trên các sàn TMĐT. Shopee ghi nhận lượng đơn hàng trung và cao cấp tăng 25% trong năm 2023, trong khi nhóm hàng giá rẻ dưới 100.000 đồng chỉ tăng 5%.

Bài toán bền vững lúc này không còn nằm ở mức giá thấp tuyệt đối, mà là ở ba yếu tố từ chất lượng thực tế, dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp và chiến lược xây dựng thương hiệu riêng để chủ động kiểm soát giá trị sản phẩm.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/canh-tranh-tren-san-tmdt-khong-chi-cho-vao-chinh-sach/