Cảnh tượng đã biến mất trên Phà Ngôi sao

Ra đời năm 1880, Phà Ngôi sao (Star Ferry) đã chứng kiến mọi thăng trầm của Hong Kong xuyên qua ba thế kỷ, nhưng đại dịch Covid-19 đang đe dọa sự tồn tại của nó.

Trong một buổi sáng thứ hai ẩm ướt ở Hong Kong, ông Freeman Ng ngồi trên tầng 2 của chuyến phà Star Ferry đang chuẩn bị cập bến.

Một nhân viên trên tàu quăng sợi dây thừng lớn cho người đồng nghiệp trên cầu tàu để vòng nó qua cái cọc trên bến. Những cơn sóng biển vỗ nhẹ vào chiếc phà với hai màu xanh lá cây - trắng đặc trưng, đang cập bến từ cảng Victoria.

 Một chuyến phà Star Ferry cập bến Tsim Sha Tsui ở khu Kowloon. Ảnh: New York Times.

Một chuyến phà Star Ferry cập bến Tsim Sha Tsui ở khu Kowloon. Ảnh: New York Times.

Chứng nhân lịch sử

Ông Ng, năm nay 43 tuổi, sử dụng chuyến phà này để di chuyển từ bến Tsim Sha Tsui ở khu Kowloon đến bến Central trên đảo Hong Kong vào mỗi ngày trong tuần trừ thứ bảy và chủ nhật.

Mặc dù có thể đi bằng tàu điện, vốn nhanh và tiện lợi hơn nhiều, ông Ng vẫn sử dụng phà để đi qua bên cảng.

"Đi phà có cảm giác thích hơn", ông Ng nói và hít một hơi để cảm nhận vị muối của biển.

Hong Kong đã trải qua nhiều nỗi đau trong vòng ba năm qua. Phong trào biểu tình hồi năm 2019 đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch, ảnh hưởng đến các chủ nhà hàng và khách sạn của thành phố. Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến và xóa sổ hàng nghìn cửa hàng của các hộ kinh doanh cá thể.

Mặc dù vậy, đối với nhiều người, viễn cảnh về một ngày Hong Kong không còn Star Ferry là điều không thể tưởng tượng nổi.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, đám đông mà ông Ng từng phải chen lấn để tìm chỗ ngồi trên phà đã không còn nữa.

Thay vào đó, vì quá ít hành khách nên công ty sở hữu phà Star Ferry cho biết họ có thể phải dừng hoạt động, đánh dấu sự mai một của nhịp sống trên cảng cũng như một phần hồn của thành phố.

"Star Ferry chứa đựng quá nhiều lịch sử. Trong tâm trí của người dân Hong Kong, trong đó có cả tôi, cái tên này là biểu tượng của cả thành phố", anh Chan Tsz Ho, người lái phà năm nay mới 24 tuổi, chia sẻ.

Cũng như chính bản thân Hong Kong, Star Ferry từng có thời điểm đại diện cho sự kết nối giữa Đông và Tây. Nó chính là thương hiệu phà đầu tiên ra đời phục vụ công chúng vào năm 1880, để kết nối đảo Hong Kong với bán đảo Kowloon và lãnh thổ Trung Quốc ở phía sau.

Nhà sáng lập nên hãng phà Star Ferry lại không phải là một người dân địa phương, mà là Dorabjee Naorojee Mithaiwala, một thợ làm bánh người Parsi, đã đến Hong Kong từ hàng chục năm trước sau khi rời khỏi thành phố Mumbai của Ấn Độ.

Khi ông Mithaiwala đặt chân đến Hong Kong, vùng đất này khi đó mới trở thành thuộc địa của Đế chế Anh, và đang dần dần trở thành một khu phố thị với hàng hóa, thuốc phiện và dịch bệnh trên đất liền, cũng như hoạt động hàng hải tấp nập và những toán cướp biển ở ngoài khơi. Lực lượng cảnh sát khi đó được tập hợp bởi cả người Trung Quốc đại lục, người da trắng và người Nam Á, đã phải rất vất vả để giữ gìn trật tự.

Sau khi ra đời, Star Ferry trở thành huyết mạch trong hệ thống giao thông công cộng ở Hong Kong. Người dân thành phố phụ thuộc vào các chuyến phà của hãng tới mức một kế hoạch tăng giá vé được chính quyền thông qua vào năm 1966 đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình rồi bạo động trong năm tiếp theo. Tình hình căng thẳng tới mức giới chức Anh đã phải đáp lại bằng những cải cách về chính sách.

 Một chuyến phà trên hành trình xuyên qua vịnh Victoria, nơi nó đã hoạt động liên tục suốt 142 năm qua. Ảnh: New York Times.

Một chuyến phà trên hành trình xuyên qua vịnh Victoria, nơi nó đã hoạt động liên tục suốt 142 năm qua. Ảnh: New York Times.

Các cuộc bạo động đó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của biểu tình ở Hong Kong. Nhưng đó đã là câu chuyện của lịch sử, và giờ đây những chuyến phà Star Ferry đã trở nên vắng vẻ với những hành khách ngồi rải rác trên boong.

Sinh ra ở khu Tân giới, gần biên giới với đại lục, ký ức đầu tiên của ông Issac Chan về Phà Ngôi sao đã là từ năm thập niên về trước, khi ông còn là một cậu bé háo hức được cha mẹ đưa đi chơi.

"Phà đi chậm nhưng rất thú vị. Khi đó không dễ để được đi thuyền trên biển", ông Chan, nay đã 58 tuổi, chia sẻ.

Giờ đây, mỗi ngày ông Chan lên chuyến phà ban sáng để đi về nhà từ nơi làm việc. Ông là nhân viên bảo vệ ca đêm tại một khu dân cư trên đường Old Peak - một trong những khu vực sang trọng nhất ở Hong Kong - nơi mà từng có lúc người Trung Quốc không được phép sở hữu bất động sản.

Ông Chan nói rằng việc đi về nhà trên chuyến phà sẽ giúp ông có thời gian thư giãn vào cuối ca làm việc của mình.

Khi Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhiều người đã lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp nhiều hơn vào thành phố.

Nhưng thay vào đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn và dường như không có quá nhiều thay đổi trong hơn hai thập kỷ. Hong Kong tiếp tục phát triển mạnh như một trung tâm tài chính quốc tế, và cũng là điểm dừng chân cho du khách khi đến châu Á.

 Trong vòng ba năm qua, lượng khách sử dụng phà Star Ferry đã giảm đáng kể, do du lịch bị ảnh hưởng vì phong trào biểu tình và đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Trong vòng ba năm qua, lượng khách sử dụng phà Star Ferry đã giảm đáng kể, do du lịch bị ảnh hưởng vì phong trào biểu tình và đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Chật vật để tồn tại

Sau khi đường hầm xuyên cảng Victoria được xây dựng vào năm 1972, rồi đến sự xuất hiện của các tuyến tàu điện ngầm sau đó, việc di chuyển qua biển đã trở nên tiện lợi hơn nhiều và lượng người sử dụng phà Star Ferry cũng giảm dần theo.

Các chuyến phà của hãng bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào du khách nước ngoài, những người muốn lên tàu để được ngắm nhìn toàn cảnh Hong Kong mà không phải trả một cái giá quá cao.

Nhưng đến năm 2019, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát nổ ra, dẫn đến bạo động và bất ổn kéo dài nhiều tháng trời. Những con phố từng chật kín du khách bỗng nhiên bị bao phủ bởi hơi cay và rào chắn.

Và nhiều rắc rối tài chính đã ập tới với Star Ferry. Công ty này cho biết trong vòng 30 tháng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, họ đã lỗ nhiều hơn cả số lãi cộng dồn trong vòng 30 năm qua.

Mặc dù các chuyến phà vẫn có thể được lấp đầy vào một số thời điểm nhất định trong ngày, đặc biệt là khi trời đẹp, lượng khách nói chung là thấp hơn nhiều so với ba năm trước.

"Công ty đang thua lỗ và chúng tôi chắc chắn phải tìm cách để thoát khỏi tình trạng này", ông David Chow Cheuk-yin, giám đốc hãng phà Star Ferry, chia sẻ. Vị giám đốc này đã nhiều lần xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ về tình hình không mấy khả quan của công ty, hy vọng rằng sẽ có nhà tài phiệt nào đó cứu lấy những chuyến phà biểu tượng của thành phố.

Ông Chow bắt đầu điều hành công ty vào cuối năm ngoái. Vào thời điểm đó, mọi thứ rất có triển vọng. Cả thành phố tin rằng họ đã dành chiến thắng trước virus corona. Các cửa hàng, cửa hiệu lớn nhỏ bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa. Một số quan chức của đặc khu thậm chí còn đề xuất việc nới lỏng biên giới cho khách du lịch.

 Cầu thang tại bến phà ở Tsim Sha Tsui. Ảnh: New York Times.

Cầu thang tại bến phà ở Tsim Sha Tsui. Ảnh: New York Times.

"Khi tôi bắt đầu công việc, mọi người ai cũng nói về sự phục hồi", ông Chow chia sẻ.

Thế rồi biến chủng Omicron xuất hiện và thay vì phục hồi, mọi người lại chuyển sang chế độ "sinh tồn" thêm một lần nữa.

"Mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng", ông Chow nói.

Sơn Trần

theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-tuong-da-bien-mat-tren-pha-ngoi-sao-post1312368.html