Đã nhiều ngày nay, hàng chục cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã túc trực 24/24 để thực hiện công tác dự báo về diễn biến của cơn bão số 3 (bão Yagi).
Theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22 giờ ngày 6-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 300 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 14, giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.
1 giờ sáng ngày 7/9, Tòa nhà của Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia (số 8 phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) vẫn sáng đèn. Tầng 12 của tòa nhà là Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, bên trong, hàng chục cán bộ, nhân viên khí tượng vẫn đang tập trung theo dõi, phân tích về cơn bão số 3.
Dự báo, bão số 3 tiếp tục diễn biến phức tạp, Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão. Do vậy, trong thời gian trước, trong và sau bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, trong đó có siêu bão số 3; tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động của bão số 3 phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai cho Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV theo dõi hướng đi của cơn bão số 3.
Nhân viên làm việc rất khẩn trương để chuẩn bị cho các tin bão.
Trên các trang website của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cứ vài tiếng lại có bản cập nhật mới về diễn biến của cơn bão, chưa kể những tin nhanh. Tuy nhiên, để có bản tin đó thì cứ 10 phút, các nhân viên khí tượng lại phải cập nhật ảnh mây vệ tinh, ảnh rada và một loạt mạng rada quét… để xem cơn bão di chuyển như thế nào, thay đổi cường độ ra sao. Bởi vì càng gần bờ thì mỗi một thay đổi nhỏ của cơn bão cũng rất quan trọng.
Dự báo viên Trần Văn Vũ đang vẽ các đường đẳng áp trên hệ thống SYNOP phục vụ cho phân tích hình thế của bão.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ông Mai Văn Khiêm và TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trao đổi về các thông số của cơn bão phức tạp này.
Theo TS Hoàng Phúc Lâm, về diễn biến của bão số 3, theo thông tin mới nhất lúc 22 giờ, bão số 3 đã giảm 2 cấp - hiện còn ở cấp 14, giật cấp 17. Trong 3 giờ tới, bão số 3 di chuyển tương đối nhanh, hướng di chuyển chủ đạo là hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ. "Quan sát trên ảnh mây vệ tinh cho thấy bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ" - ông Lâm nói và cho biết ở đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã đo được gió mạnh giật cấp 10.
"Tính chất công việc dự báo thời tiết của tôi thường xuyên phải thức đêm. Tuy nhiên, những ngày cơn bão số 3 tiến gần vào đất liền tôi phải làm việc với cường độ cao để đưa ra các thông tin cập nhật liên tục cho người dân", chị Trần Như Quỳnh (dự báo viên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) chia sẻ.
Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị phụ trợ dự báo; cung cấp thông tin về bão số 3, các hình thái thời tiết liên quan có khả năng xảy ra hoặc do ảnh hưởng của bão trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, trên ứng dụng di động phục vụ người dùng khai thác; cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định.
Trung tâm tiếp tục ban hành bản tin nhanh, tin bão khẩn bão số 3 để chính quyền và người dân địa phương biết và chủ động ứng phó.
Các dự báo viên liên tục liên lạc với trạm quan trắc ở các địa phương để có những thông tin sớm nhất.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trao đổi với các đồng nghiệp về các thông số được các địa phương gửi về.
"Công việc của các cán bộ khí tượng thủy văn là thế; luôn sẵn sàng ứng trực 24/24h, không để sót lọt, chậm thông tin về thiên tai, bởi chúng tôi hiểu, nếu xảy ra sự chậm trễ, dù chỉ tính bằng giây, sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường"- Ông Cường chia sẻ.
Các phóng viên báo chí cũng liên tục cập nhật thông tin tới độc giả từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập năm 2018. Cơ quan này chịu trách nhiệm cung cấp các bản tin dự báo bão để chính quyền các cấp có phương án phòng chống, người dân cảnh giác với bão.
Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện có hàng ngàn trạm đo trên toàn quốc. Hàng ngày các trạm khí tượng chỉ phát 3-6 tiếng/lần, nhưng khi bão chuẩn bị đổ bộ thì phải phát tin 30 phút/lần. Việc quan trắc liên tục như vậy để xem mức độ ảnh hưởng của bão trên đất liền.
Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.