Cao Bằng: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN

Xác định Chương trình MTQG DTTS&MN rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh, tỉnh Cao Bằng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu để người dân sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khó khăn trong giải ngân nguồn vốn

Thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Cao Bằng có 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc 10 huyện, thành phố thuộc địa bàn thụ hưởng chương trình với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung, trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK).

 Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN

Vốn ngân sách Trung ương được giao năm 2022 là hơn 814 tỷ đồng; vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh 2,2 tỷ đồng. Năm 2023, vốn ngân sách Trung ương được giao gần 2.095,5 tỷ đồng; vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh gần 22,9 tỷ đồng (đối ứng vốn đầu tư).

Tính đến ngày 15/10, giải ngân được 576.636,09 triệu đồng, đạt 27,5% kế hoạch, bao gồm nguồn vốn năm 2022 chuyển tiếp.

Ước đến 31/12/2023, một số dự án (DA) giải ngân hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao như: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN.

Tiểu DA 3, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện chương trình ước giải ngân đạt 80% kế hoạch; Tiểu DA 2, bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN, đến nay, giải ngân đạt 75,05 % kế hoạch; còn 2 tiểu DA giải ngân chậm tiến độ.

 Đoàn kiểm tra của tỉnh Cao Bằng kiểm tra tiến độ dự án

Đoàn kiểm tra của tỉnh Cao Bằng kiểm tra tiến độ dự án

Có thể thấy, sau hơn một năm triển khai, chương trình đã phát sinh các vướng mắc như: quá trình xây dựng, hoàn thiện ban hành kéo dài, dẫn đến tính chính xác của nhiều thông tin, số liệu được rà soát, lập từ thời điểm xây dựng chính sách cho đến khi ban hành không đảm bảo phù hợp. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án nội dung chung chung, chưa cụ thể; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ so với những quy định hiện hành còn hiệu lực; một số nội dung mới chưa có quy định chính sách tiền lệ nên gặp khó khăn trong xây dựng hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện...

Đặc biệt, việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn một số vướng mắc, do có sự chồng chéo địa bàn đầu tư với một số chương trình MTQG khác nên khó khăn cho việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình...; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, một số địa phương triển khai còn thụ động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc

Xác định Chương trình MTQG rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh chủ động điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án của từng chương trình MTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và hằng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, 100% các xã đã thành lập Ban Quản lý xã để thực hiện các dự án trên địa bàn.

Việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG thể hiện sự chủ động, sáng tạo của tỉnh Cao Bằng. Hiện cấp huyện đã có đủ bộ máy, cơ quan chuyên môn chuyên trách nên việc giao cấp huyện sẽ bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong điều chỉnh nguồn vốn của các dự án.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tham mưu, có ý kiến cụ thể với tỉnh những bất cập về mặt văn bản, hướng dẫn trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án; quan tâm bố trí nguồn nhân lực làm công tác dân tộc tại các địa phương. Khẩn trương rà soát, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình tỉnh để điều chỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu để người dân sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Qua đó, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đề xuất giải pháp, cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành có liên quan được giao chủ trì thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc chương trình; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác rà soát khó khăn, vướng mắc, tồn tại theo phản ánh từ cấp cơ sở, chủ đầu tư để tham mưu các cấp, các ngành giải quyết, tháo gỡ theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kinh phí được giao và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình đã đề ra.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cao-bang-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-nguon-von-danh-cho-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-dttsmn-post272831.html