Cao Bằng huy động các nguồn lực diệt châu chấu bùng phát mạnh

Do châu chấu tre phát sinh và gây hại ở trong rừng sâu, địa bàn giáp ranh giữa các huyện của tỉnh, xa khu dân cư, địa hình phức tạp nên việc phun thuốc trở nên khó hơn.

Châu chấu bám dày đặc trên cây trồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Châu chấu bám dày đặc trên cây trồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Chưa năm nào nạn châu chấu lại bùng phát mạnh, gây thiệt hại mùa màng nhiều như năm nay tại Cao Bằng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực để tiêu diệt châu chấu, bảo vệ mùa màng cho người dân.

Từ đầu tháng 4 năm 2024, tại các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình; các xã Bạch Đằng, Hồng Việt, huyện Hòa An; xã Minh Khai, huyện Thạch An châu chấu bắt đầu nở và phát sinh gây hại trên cây ngô và cỏ dại ven bờ ruộng rẫy, sông suối… diện tích nhiễm khoảng 6,8 ha (ngô 0,6ha; cỏ dại 6,2ha); trên cây ngô mật độ châu chấu non phổ biến 2-4 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2, trên cỏ dại mật độ châu chấu non phổ biến 100-200 con/m2, nơi cao 300-400 con/m2.

Đến tháng 5/2024, châu chấu tre chuyển sang giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển mạnh và tấn công gây hại cây trồng với mật độ cao hơn; trên rừng vầu mật độ phổ biến 600-1.000 con/m2, đặc biệt có nơi cao tới 7.000-8.000 con/m2.

Tổng diện tích châu chấu tre gây hại cây trồng, cỏ dại đến nay là 449,61ha (gồm 315,2ha rừng vầu, 6,4ha lúa, 24,81ha ngô, 3,5ha thuốc lá, 99,7ha cỏ dại), với mật độ gia tăng 7-8 lần so với năm 2023 và có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng kiểm soát của các chủ thực vật.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng đã ban hành Công văn số 807/SNN-TT&CN ngày 04/4/2024 về việc chủ động theo dõi và phòng, trừ châu chấu gây hại cây trồng; đồng thời, cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ các huyện có châu chấu kiểm tra, theo dõi diễn biến mức độ gây hại, xác định chính xác thời gian châu chấu nở để phòng trừ ngay từ khi châu chấu còn non và hướng dẫn biện pháp phòng trừ.

Sở chỉ đạo các huyện có ổ dịch châu chấu chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, bố trí nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ công tác phun trừ dịch, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo hộ lao động, công phun thuốc, bình phun và nhiên liệu để sử dụng máy phun…

Theo báo cáo của các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Thạch An và kết quả kiểm tra của chi cục những diện tích đã phun trừ tỷ lệ chết đạt trên 90%; đến nay, tổng diện tích đã phun trừ châu chấu tre gây hại cây trồng, cỏ dại là 116,24 ha (rừng vầu 13,23 ha, cây lúa 6,4 ha, cây ngô 18,41 ha, cây thuốc lá 3,5 ha, cỏ dại 74,7 ha.

 Hiện tại, châu chấu tre lưng vàng ở Cao Bằng đã đến giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển xa và sức tàn phá rất mạnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện tại, châu chấu tre lưng vàng ở Cao Bằng đã đến giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển xa và sức tàn phá rất mạnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Chị Hoàng Thị Đào, cán bộ khuyến nông, thú y xã Minh Khai, huyện Thạch An cho biết, địa bàn xã đã nhiều lần xuất hiện dịch châu chấu nhưng chưa năm nào nhiều như năm nay.

Năm nay, châu chấu xuất hiện trên địa bàn xã từ cuối tháng 4. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp phát thuốc diệt châu chấu cho dân phun, nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân là do thời gian gần đây thời tiết mưa nhiều, thuốc bị rửa trôi hết.

Mặt khác, châu chấu quá nhiều, cứ phun chết đợt này lại có đàn khác từ trong rừng tràn ra, có hộ dân đã được cấp thuốc tới 10 lần mà vẫn chưa hết châu chấu.

Anh Lương Trung Kiên, Chủ tịch xã Minh Khai, huyện Thạch An cho biết, hiện nay toàn xã đã có khoảng 30ha lúa, 19ha ngô và hơn 90ha rừng vầu bị châu chấu tấn công, gây hại. Đối với những diện tích này, năng suất có thể bị thiệt hại từ 30-40%.

Địa phương đang rất cần sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan chức năng để phòng chống dịch, bảo vệ mùa màng cho nhân dân.

Do châu chấu tre phát sinh và gây hại ở trong rừng sâu, địa bàn giáp ranh giữa các huyện của tỉnh, xa khu dân cư, địa hình phức tạp nên việc phun thuốc trở nên khó hơn.

Ngoài ra, có những diện tích nhiễm châu chấu phân bố gần nguồn nước, khu vực chăn thả vật nuôi nên không thể phun thuốc bảo vệ thực vật được.

Hiện nay, châu chấu tre đang giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển nhanh hơn và phát tán trên diện rộng.

Nếu không phòng trừ kịp thời thì sẽ có thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất. Bên cạnh đó, diện tích rừng vầu và diện tích ngô mùa lớn là nguồn thức ăn phong phú để châu chấu phát triển và có khả năng phát thành dịch vào các năm tiếp theo.

Ông Hoàng Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng cho biết, Sở đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hòa An; đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung ngân sách cho các địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phục vụ chống dịch; đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban Nhân dân cấp xã huy động mọi nguồn lực của địa phương tổ chức phòng trừ châu chấu tre lưng vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cao-bang-huy-dong-cac-nguon-luc-diet-chau-chau-bung-phat-manh-post957386.vnp