Cao Bằng từng bước tạo đột phá trong phát triển kinh tế cửa khẩu

Bước tiến của kinh tế biên mậu Cao Bằng đang từng bước cụ thể hóa, với mục tiêu đưa lĩnh vực này trở thành 1 trong 3 mũi nhọn đột phá của kinh tế địa phương, nhất là sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế biên mậu Cao Bằng là cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc), trở thành cửa khẩu quốc tế đầu tiên trên tuyến biên giới dài hơn 330km tại Cao Bằng. Cùng với Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công ngay đầu năm 2024, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ quan trọng, để đưa hàng hóa từ các khu vực phía Tây, Tây Nam Trung Quốc qua Việt Nam đi các nước ASEAN và ngược lại.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng ước đạt trên 661 triệu USD, từng bước lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng ước đạt trên 661 triệu USD, từng bước lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19

Anh Đào Kim Trọng, Giám đốc DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh kỳ vọng, trong tương lai gần, Cao Bằng sẽ trở thành điểm trung chuyển trọng yếu trên tuyến giao thương quốc tế đến Trung Quốc, sau đó tới khu vực Trung Á và châu Âu.

“DN kỳ vọng sẽ có nhiều mặt hàng từ các nước thứ ba qua Cao Bằng, cụ thể là hàng quá cảnh như nông sản từ các nước Đông Nam Á và các mặt hàng như thiết bị, linh kiện điện tử từ Trung Quốc đi các nước qua lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay hạn chế của kinh tế cửa khẩu Cao Bằng là giao thông và hạ tầng cơ bản còn chưa phát triển. Do đó, việc Cao Bằng chuẩn bị xây dựng tuyến cao tốc sẽ là điều kiện quan trọng, để nâng cao lượng giao thương hàng hóa từ Cao Bằng đi các địa phương và ngược lại”, anh Trọng nói.

Tháng 9/2023, Cao Bằng và Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp thí điểm vận hành cho người dân qua lại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), mở ra cơ hội mới cho hợp tác du lịch giữa hai bên, cũng như thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Việc nâng cấp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh được kỳ vọng cũng sẽ là "cú huých" cho du lịch Cao Bằng.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Cao Bằng ước đạt 661 triệu USD, vượt 3,6% kế hoạch năm và từng bước bắt nhịp với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Cao Bằng cũng đã thu hút gần 60 dự án đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng số vốn hơn 5.000 tỉ đồng ở nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, dịch vụ xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu kinh tế, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đối thoại với các DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cùng tìm hướng khắc phục khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng và các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Văn phòng Quản lý cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh cho biết, cửa khẩu đang từng bước được nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

“Hiện nay cửa khẩu Trà Lĩnh đang áp dụng chuyển đổi số trong quản lý thu phí kết cấu hạ tầng tại cửa khẩu. Tiến tới ở đây sẽ tiếp tục có sự thay đổi khi Văn phòng tham mưu các cấp để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý cửa khẩu cũng như thủ tục hành chính, phục vụ công tác xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Điều này cũng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các DN, người dân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Trà Lĩnh”, ông Kiên cho biết.

Hệ thống giao thông kết nối tới Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng

Hệ thống giao thông kết nối tới Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng

Để tạo thuận lợi cho các DN đến đầu tư tại tỉnh, ngoài nỗ lực khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao Bằng tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các cửa khẩu, các khu điểm du lịch của tỉnh. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, Cao Bằng cũng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại qua biên giới, nhằm mở lại các cặp cửa khẩu, lối mở, đồng thời tiếp tục đầu tư để nâng cấp các cửa khẩu còn lại trên tuyến biên giới.

“Kinh tế cửa khẩu là tiềm năng của Cao Bằng, tuy nhiên giai đoạn vừa qua khả năng phát huy tiềm năng này còn hạn chế. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực tế từng giai đoạn, có giai đoạn phát triển tiểu ngạch rất mạnh. Tuy nhiên, hiện chính sách Trung Quốc và Việt Nam sẽ hạn chế và tiến tới không thực hiện xuất - nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư đến các cửa khẩu chính, các cửa khẩu song phương là rất quan trọng, đồng thời phải có sự kết nối cả về giao thông và nguồn hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Ánh nói.

Vừa qua, Cao Bằng đã tổ chức loạt sự kiện quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều DN lớn trong nước cũng như nước ngoài. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự quan tâm của các nhà đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng, cụ thể hóa mục tiêu đưa kinh tế cửa khẩu trở thành 1 trong 3 mũi nhọn đột phá kinh tế Cao Bằng bên cạnh du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cao-bang-tung-buoc-tao-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-cua-khau-post1069056.vov