Cao Bằng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Là tỉnh miền núi biên giới, Cao Bằng có tiềm năng, thế mạnh của vùng đất lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc, có nhiều 'địa chỉ đỏ' và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tỉnh đã và đang nỗ lực khai thác, phát huy những thế mạnh này, nhất là bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số địa phương, để xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch.
Tạo điểm nhấn đột phá
Cao Bằng là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng và đa sắc mầu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Xứ sở của những cọn nước, các suối nguồn trong vắt và những chàng trai, cô gái tươi tắn trong sắc áo chàm thổ cẩm có nhiều lễ hội dân gian truyền thống nổi tiếng, như: lễ hội Nàng hai, lễ hội Lồng tồng, lễ cấp sắc, lễ hội pháo hoa; và những làn điệu dân ca làm say lòng du khách như hát then, hát sli, hát lượn... Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 để lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo - nơi năm 1944, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; các điểm di tích Chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch An)… Ngoài ra, Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: thác Bản Giốc - thác nước hùng vĩ và đẹp bậc nhất Ðông - Nam Á; Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Ðén (huyện Nguyên Bình); và các điểm tham quan trong Công viên địa chất (CVÐC) Non nước Cao Bằng... Tất cả những ưu thế ấy, là điều kiện, thế mạnh để Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích sự khám phá, trải nghiệm.
Tìm giải pháp khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, Cao Bằng đã xúc tiến xây dựng thương hiệu gắn với danh hiệu CVÐC toàn cầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Hữu Khang cho biết: Qua nghiên cứu, CVÐC là mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Ðồng thời, giúp phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh trong du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Cuối năm 2015, tỉnh Cao Bằng quyết định thành lập CVÐC Non nước Cao Bằng, và tích cực phối hợp cơ quan chức năng triển khai các bước lập hồ sơ, đệ trình UNESCO xét công nhận danh hiệu CVÐC toàn cầu.
Sau hơn hai năm nỗ lực thành lập, xây dựng và phát triển CVÐC Non nước Cao Bằng, với hơn 130 điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, phong cảnh độc đáo và có giá trị quốc tế trong phạm vi chín huyện, Cao Bằng đã có ba tuyến du lịch hấp dẫn trong CVÐC: Tuyến du lịch cụm phía tây "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay"; tuyến du lịch cụm phía bắc "Hành trình về nguồn cội"; tuyến du lịch cụm phía đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên". Tháng 4-2018, sự kiện CVÐC Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là CVÐC toàn cầu, là "cú huých" quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Trương Thế Vinh đánh giá: Danh hiệu CVÐC toàn cầu cùng với bản sắc văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh tại Cao Bằng đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước.
Quá trình xây dựng hồ sơ để được công nhận là CVÐC toàn cầu cũng là thời gian Cao Bằng tạo lập điểm nhấn đột phá giúp địa phương phát triển du lịch, thu hút du khách. Năm 2017, Cao Bằng đón 952 nghìn lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 189 tỷ đồng. Riêng tám tháng đầu năm 2018, tỉnh đã đón hơn 836 nghìn lượt du khách, trong đó, gần 71 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 98,6% so với cùng kỳ), hơn 765 nghìn lượt khách trong nước (tăng 23,7%). Tổng doanh thu du lịch đạt 219 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ. Ngành du lịch Cao Bằng tin rằng, năm 2018 này, lần đầu tiên, tỉnh sẽ "cán mốc" đón hơn một triệu du khách.
Phát triển du lịch bền vững
Ðể phát triển thương hiệu du lịch bền vững, tỉnh Cao Bằng xác định rõ những bất cập, hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tốt quy hoạch đầu tư phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường cũng như đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, ưu tiên khai thác, phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tua du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch về nguồn… để bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng Cao Bằng, không gây nhàm chán. Bởi thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được tỉnh xác định là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Những năm qua, Cao Bằng đã thực hiện việc thống kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... Tỉnh có 10 nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; hơn 700 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, cùng với các cá nhân, gia đình, dòng họ đang sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, tổ chức truyền dạy, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương...
Cao Bằng đã nhìn nhận rõ, do hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng cho nên mức chi tiêu của du khách còn thấp, thời gian lưu trú chưa lâu. Các dịch vụ phục vụ du khách trên địa bàn còn rời rạc, thiếu liên kết và chưa phong phú, đa dạng. Tỉnh có nhiều sản phẩm, đặc sản chất lượng tốt, có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, với nhiều món ăn mang hương vị riêng, nhưng lại chưa có khu chợ đêm và phố, khu chợ ẩm thực để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.
Ðể khắc phục hạn chế, đưa du lịch phát triển bền vững, Cao Bằng đã triển khai một số giải pháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Hữu Khang chia sẻ: triển khai các giải pháp giữ vững và phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh du lịch, hướng tới sự hài lòng của du khách, Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng; đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp Trường cao đẳng du lịch Hà Nội xây dựng nội dung đào tạo nhân lực. Xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đến năm 2020. Tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hướng tới mục tiêu "người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch". Ðồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... Trước mắt, tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị CVÐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. Nhất là ba tuyến du lịch trải nghiệm.
Ðầu năm nay, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt dự án của Công ty cổ phần đầu tư Bản Giốc (giai đoạn 2018 - 2023), mức đầu tư 920 tỷ đồng xây dựng nhà hàng, khu vui chơi giải trí, thương mại… tại Khu du lịch thác Bản Giốc (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Ðây là lần đầu, Cao Bằng tự thu hút được một dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định cam kết của địa phương là: coi trọng bảo tồn và phát triển CVÐC toàn cầu Non nước Cao Bằng; khai thác hiệu quả di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học; đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những nỗ lực ấy nhằm sớm phát triển du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.