Cao Bằng: Xây dựng thương hiệu gạo nếp ong
Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đang tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo nếp ong trên địa bàn.
Nâng cao sản lượng và chất lượng cho gạo nếp ong
Gạo nếp ong (tên địa phương là Khẩu Phẩng) là đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, được biết đến không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi giá trị dinh dưỡng cao. Cây lúa đặc sản này được trồng chủ yếu ở các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn…
Gạo nếp ong Cao Bằng có đặc điểm nổi bật là hạt gạo dẻo, thơm, bóng đẹp và có hương vị đặc trưng. Sản phẩm này được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt là trong các món xôi, bánh chưng, bánh tét... Chính chất lượng vượt trội này đã giúp gạo nếp ong dễ dàng tạo dựng thương hiệu và có tiềm năng lớn để mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, tính đến năm 2024, tỉnh đã có khoảng 2.200 ha đất trồng gạo nếp ong, ước đạt khoảng 10.000 tấn mỗi năm. Với mục tiêu phát triển gạo nếp ong thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, Cao Bằng đang nỗ lực mở rộng diện tích. Dự kiến trong vài năm tới, diện tích sản xuất gạo nếp ong có thể tăng từ 5.000 ha lên khoảng 7.000-8.000 ha, đồng thời nâng sản lượng gạo lên khoảng 15.000 tấn mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch lúa, giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại giúp nâng cao năng suất và chất lượng gạo.

Sản phẩm gạo nếp ong tham gia tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm. Ảnh: P.T
Đồng thời, Cao Bằng cũng chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, tỉnh đã dành gần 100 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng các tuyến đường trọng điểm, bao gồm tuyến đường từ thành phố Cao Bằng đến huyện Thạch An, nơi có diện tích trồng gạo nếp ong lớn. Các tuyến đường giao thông từ các khu vực sản xuất gạo nếp ong đến trung tâm tỉnh và các thị trường tiêu thụ được nâng cấp để giảm thiểu chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng.
Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao cả chất và lượng cho gạo nếp ong, song, hiện việc xây dựng và phát triển sản phẩm này vẫn gặp phải không ít khó khăn và thách thức, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tiêu thụ gạo nếp ong Cao Bằng, chị Phạm Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phan Hoàng - cho biết, dù gạo nếp ong là một sản phẩm đặc sản có giá trị, nhưng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và các kênh phân phối phù hợp vẫn là một vấn đề nan giải.
"Việc thiếu đầu mối tiêu thụ, không có các kênh phân phối lớn, chưa có sự kết hợp giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi cung ứng đồng bộ, hiệu quả đã làm hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm", chị Chính nhấn mạnh.
"Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất gạo nếp ong Cao Bằng chưa áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, khiến cho sản phẩm khó tiếp cận được các thị trường lớn và đòi hỏi kiểm định chất lượng nghiêm ngặt như EU, Mỹ hay Nhật Bản. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp muốn gia tăng thị phần trong các thị trường quốc tế” - chị Phạm Thị Chính cho biết.
Xúc tiến, mở rộng thị trường cho sản phẩm
Với mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa thương hiệu gạo nếp ong của Cao Bằng thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh,cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩn, mẫu mã, tỉnh cũng đang tăng cường hiệu quả từ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại.
Theo ông Bế Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, trong năm 2025, Sở sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm gạo nếp ong tới các thị trường rộng lớn hơn.

Gạo nếp ong Cao Bằng có đặc điểm nổi bật là hạt gạo dẻo, thơm, bóng đẹp và có hương vị đặc trưng
“Thông qua các hội chợ và triển lãm, chúng tôi mong muốn không chỉ nâng cao nhận thức về sản phẩm của Cao Bằng mà còn kết nối các doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh với đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Cao Bằng ra thị trường trong và ngoài nước”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng chia sẻ.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, với mong muốn đưa sản phẩm gạo nếp ong Cao Bằng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, chị Phạm Thị Chính bày tỏ: “Bên cạnh sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, chính quyền địa phương, các hiệp hội trong việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu cho gạo nếp ong trên các nền tảng số nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng".
Chia sẻ thêm về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên địa bàn cần xây dựng một chiến lược marketing toàn diện, từ việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, cho đến việc quảng bá qua các kênh truyền thông số nhằm tăng cường nhận diện thương hiệu, tạo dấu ấn riêng biệt cho sản phẩm.
Với mục đích gia tăng giá trị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng sản xuất, tạo thương hiệu sản phẩm nếp ong Trùng Khánh, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 2769/QĐ-UBND, ngày 30/12/2020 phê duyệt dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp ong Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Sau 3 năm thực hiện dự án, năm 2023, sản phẩm nếp ong của huyện Trùng Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nếp ong Trùng Khánh”.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-bang-xay-dung-thuong-hieu-gao-nep-ong-375403.html