Cáo buộc Han Ye Seul bán dâm và góc tối trong giới giải trí
Hoạt động mại dâm bám rễ vào ngành giải trí Hàn Quốc suốt nhiều năm qua đã khiến giá trị của các nữ nghệ sĩ bị hạ thấp.
Ngày 24/6 vừa qua, Wikitree đưa tin cựu phóng viên Kim Yong Ho đã tung bằng chứng cho thấy Han Ye Seul từng làm việc tại quán bar người lớn ở Los Angeles. Sau khi chiến thắng cuộc thi siêu mẫu năm 2001, cô vẫn tiếp tục làm việc tại tiệm phòng (một loại hình được coi như bình phong cho hoạt động mại dâm tại Hàn Quốc).
Tới 22/6, nữ diễn viên cho biết mình đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để ngăn chặn những hành vi phỉ báng, xúc phạm và vu khống mình. Cô cay đắng viết trong tâm thư gửi đến công chúng: “Từ tiệm phòng đến ma túy và bây giờ là trốn thuế. Với kinh nghiệm của một người phụ nữ, tôi biết những câu chuyện nhục nhã này sẽ theo tôi như một lời nguyền rủa đến suốt đời”.
Phụ nữ chỉ được coi như trò tiêu khiển
Theo DW, năm 2010, Ủy ban nhân quyền Hàn Quốc công bố 55% số nữ diễn viên tham gia cuộc khảo sát của tổ chức khẳng định mình từng có những trải nghiệm tình dục không mong muốn. Một nửa trong số này thừa nhận công việc của họ bị ảnh hưởng sau khi cương quyết từ chối các hành vi trên.
Bloomberg từng đăng tải bài viết The Dark Side of Kpop: Assault, Prostitution, Suicide, and Spycams (tạm dịch: Góc tối của Kpop: Quấy rối, mại dâm, tự sát và quay lén) đi sâu phân tích, bóc tách các vụ việc gây chấn động ngành giải trí Hàn Quốc.
Một phần không nhỏ của bài viết đề cập đến bê bối Burning Sun và góc tối nơi phụ nữ trở thành trò mua vui cho các ngôi sao nam cũng như công cụ “bôi trơn” cho các thương vụ làm ăn béo bở.
Tháng 1/2019, một người đàn ông đã tố cáo mình bị bảo vệ hộp đêm Burning Sun hành hung khi đang cố ngăn chặn một vụ quấy rối tình dục. Burning Sun là doanh nghiệp có sự liên kết mật thiết với Seungri - thành viên nhóm nhạc nam đình đám BigBang.
Lời tố cáo là quân domino đầu tiên đổ xuống, kéo theo chuỗi tội ác đang diễn ra ở Burning Sun bị phơi bày trước ánh sáng: môi giới mại dâm, cưỡng hiếp, đặt máy quay lén, hối lộ… Các vụ việc đều xảy ra theo cùng một mô-típ: tội ác của nhóm nam giới giàu có với phụ nữ.
Từ vụ bê bối Burning Sun, đời tư trác táng của không ít nghệ sĩ và những người đàn ông thuộc giới thượng lưu tại Hàn Quốc thường xuyên lui tới đây cũng được hé lộ.
Cùng năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã kêu gọi điều tra diện rộng những vụ phạm tội tình dục liên quan đến ngành công nghiệp giải trí cũng như mở lại hồ sơ nhiều vụ án cũ. Trong số này có cả vụ tự sát của nữ diễn viên Jang Ja Yeon hồi 2009. Trong thư tuyệt mệnh, cô viết mình bị buộc phải phục vụ hơn 30 người đàn ông giàu có.
Chiến dịch đã khiến nhiều nghệ sĩ bị điều tra vì hành vi phát tán các video quay lén. Không ít sĩ quan cảnh sát cũng bị buộc tội cấu kết với chủ sở hữu Burning Sun, làm ngơ cho các hoạt động sử dụng chất kích thích và bạo hành xảy ra ở đây.
Tháng 6/2019, Yang Hyun Suk, nhà sáng lập và là CEO của công ty giải trí YG Entertainment khi ấy, bị kênh truyền hình MBC tố cáo từng nhiều lần mua dâm cho các đối tác hồi 2014. Tuy nhiên Yang Hyun Suk đã phủ nhận cáo buộc này.
Vụ bê bối Burning Sun cho thấy tội ác chống lại phụ nữ đã là vấn nạn tồn tại song song với sự phát triển lớn mạnh của ngành giải trí Hàn Quốc. Bất cứ nữ nghệ sĩ nào cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của các tội ác tình dục.
Bloomberg dẫn lời Sim Sang Jeung, một nhà làm luật kiêm cựu ứng cử viên tổng thống, nhận xét về bê bối Burning Sun: “Đó là một tình huống tuyệt vọng. Cảnh sát và nhà chức trách cố gắng ém nhẹm tội ác để bảo vệ những kẻ có quyền thế và tiền bạc. Cuộc sống hiện đại không mang lại sự an toàn cho phụ nữ”.
“Bạo lực nhắm vào phụ nữ đã thuộc về kiến trúc xã hội. Những tội ác này thường diễn ra trong im lặng. Xâm hại và quấy rối tình dục thường chỉ bị coi là tội nhẹ ở Hàn Quốc. Không ít nạn nhân của các vụ việc thậm chí còn bị đổ lỗi”, nhà hoạt động bình đằng giới Seoyun chia sẻ với DW.
Trong năm 2019, bê bối Burning Sun cũng làm dấy lên phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ Hàn Quốc. Theo Bloomberg, hơn một nửa số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ giết người tại Hàn Quốc là phụ nữ. Số vụ xâm hại và quấy rối tình dục tại đây đang tăng, trong khi các nạn nhân có xu hướng không tố cáo tội phạm vì sợ hãi dư luận.
Mặt khác, những phụ nữ công khai lên tiếng tố cáo vụ xâm hại thường bị kiện ngược tội phỉ báng. Nếu vụ xâm hại được xét xử tại tòa, các bị cáo cũng dễ dàng thoát tội nhờ lời khai mình đang say trong lúc thực hiện hành vi đồi bại. Tiếp đến, việc đổ lỗi cho nạn nhân cũng là một vấn nạn trong xã hội Hàn Quốc, ngăn cản các nạn nhân lên tiếng.
Những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã cải thiện thực trạng trên bằng cách tăng nặng khung hình phạt với tội quấy rối tình dục nơi công sở cũng như có biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ nạn nhân. Cảnh sát được khuyến khích triệt phá các đường dây mại dâm cũng như xử lý hình sự các vụ đặt máy quay ẩn…
Danh dự của nữ nghệ sĩ dễ dàng bị bôi nhọ
Trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa Han Ye Seul và Kim Yong Ho, bán dâm đã được cựu phóng viên sử dụng như một đòn tấn công nhằm hủy hoại danh dự và sự nghiệp nữ diễn viên. Tin đồn Han Ye Seul từng hành nghề mại dâm trước khi nổi tiếng đúng hay sai, chỉ có người trong cuộc tỏ tường. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực của nó tới hiện tại và tương lai của nữ diễn viên là có thật.
“Tôi thành một kẻ tội phạm, bị kỳ thị suốt cuộc đời và không ai chịu trách nhiệm cho điều đó”, cô nói, ám chỉ màn đấu tố bài bản của Kim Yong Ho nhắm vào mình thời gian qua. Trong mô tả của cựu phóng viên, Han Ye Seul hiện lên như một phụ nữ ăn chơi trác táng, sa đọa, từng qua đêm với nhiều người đàn ông giàu có…
“Tôi chưa bao giờ làm việc đó. Thật khó khăn vì cách công chúng phản ứng với những tin đồn. Tôi không hiểu tại sao họ lại bắt ép tôi phải thừa nhận việc đó với họ”, Han Ye Seul nói hôm 25/6.
“Tôi tin rằng quá khứ không quyết định việc tôi là ai hôm nay, về cả con người hay sự nghiệp. Đó là bởi tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày đó. Tôi cũng tin rằng đó là thành quả có được nhờ sự chăm chỉ và kỹ năng của mình.
Dù ai đó sai trong quá khứ thì đó cũng là chuyện đã qua. 20 năm trôi qua và tôi tin rằng mình đã cố gắng để đạt được vị trí hôm nay. Tôi không hối tiếc hay xấu hổ”, Han Ye Seul kết luận.
Han Ye Seul không phải nữ nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên bị gán tội hành nghề mại dâm, và cô cũng không phải người cuối cùng. Theo Straits Times, hồi tháng 3/2016, cảnh sát Hàn Quốc đã điều tra bốn cá nhân làm việc trong ngành giải trí bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động mại dâm. Một trong số này có thành viên của nhóm nhạc nữ Kpop và một nữ ca sĩ nổi tiếng.
Thông tin trên đã khơi mào một cuộc "săn phù thủy" trong dư luận Hàn Quốc. Trên Internet, người ta truyền tay nhau một bản danh sách 10 nữ nghệ sĩ bị nghi ngờ có dính líu tới hoạt động mại dâm. Họ đều là những diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ thần tượng có tiếng tăm trên thị trường.
Ảnh hưởng tiêu cực của bản danh sách tới các nữ nghệ sĩ buộc không ít người phải lên tiếng. Người đầu tiên công khai phủ nhận tin đồn ác ý nhắm vào mình là cựu thành viên Yubin của nhóm Wonder Girls. Thông qua công ty JYP Entertainment, Yubin khẳng định các tin đồn là hoàn toàn sai sự thật.
Nối tiếp Yubin, thành viên Subin của nhóm nhạc nữ Dal Shabet cũng phủ nhận nghi ngờ của dư luận hướng vào mình. Các nạn nhân khác của bản danh sách vô căn cứ còn có Yang Ji Wong của nhóm Spica, nữ diễn viên Kang So Ra, Nam Bo Ra và Shin Se Kyung. Họ đều buộc phải lên tiếng để tự minh oan.
Một nguồn tin hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí nhận xét về vụ hàng loạt nữ nghệ sĩ bị đồn tham gia đường dây mại dâm: "Danh sách này bắt đầu lan truyền trên mạng khi vụ điều tra phanh phui hoạt động của đường dây mại dâm.
Sự trùng hợp về thời gian khiến dư luận dễ tin rằng những người trong danh sách này đều có tội. Điều này là thực sự bất công. Những tin đồn kiểu này là chí tử với các nữ nghệ sĩ. Chính vì thế chúng tôi phải xử lý vấn đề này ngay lập tức".