Cáo buộc Mỹ phát triển vũ khí đặc biệt làm tăng khả năng bùng nổ chiến tranh hạt nhân, Nga có đang làm điều tương tự?
Moscow cho rằng việc Washington đang theo đuổi và triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp khiến an ninh toàn cầu bất ổn.
Tờ Newsweek đưa tin, Nga từng nhiều lần chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi và triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp , đồng thời cảnh báo, điều đó có thể làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, cùng lúc những ước tính từ Mỹ chỉ ra, Moscow đang sở hữu tới 2.000 đầu đạn hạt nhân như vậy.
Hôm thứ sáu (6/3), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phản đối đề xuất ngân sách trị giá 28,9 triệu USD của Mỹ dành cho chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Lầu Năm góc, cùng với khoản tiền dành riêng cho những nỗ lực cải thiện kho đầu đạn hạt nhân của Cơ quan An ninh Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Mỹ. Trong số các vũ khí được phát triển và triển khai có W76 – 2, một loại đầu đạn hạt nhân có công suất thấp. Bà Zakharova và nhiều người khác tin rằng, tính chất của nó có thể khiến W76-2 trở thành một sự lựa chọn sẵn sàng hơn trong trường hợp xung đột xảy ra.
"Chúng tôi nhận thấy, Washington không chỉ đang hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân, mà còn cố gắng để đạt được những năng lực mới, làm tăng khả năng sử dụng của chúng", bà Zakharova phát biểu tại một cuộc họp báo.
"Một mối quan tâm đặc biệt chính là những hành động của Mỹ nhằm mở rộng các vũ khí công suất thấp trong kho vũ khí của mình, bao gồm cả việc triển khai và phát triển những vũ khí như vậy cho các thiết bị chuyên chở chiến lược. Điều này rõ ràng dẫn tới sự thu hẹp "ngưỡng cửa" sử dụng vũ khí hạt nhân", nữ phát ngôn viên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Newsweek, khái niệm vũ khí hạt nhân công suất thấp đã xuất hiện từ thời Chiến tranh lạnh và Nga và Mỹ đều đang phát triển những năng lực như vậy.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm góc cho hay, "Nga hiện đang có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân công suất thấp phi chiến lược. Chúng bao gồm ngư lôi hạt nhân, thiết bị đánh chặn máy bay và tên lửa hạt nhân, mìn hạt nhân, pháo hạt nhân… - hơn 12 loại khác nhau. Không cái nào trong số đó đang chịu sự hạn chế của bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào".
"Nếu Nga tin rằng, W76-2 làm cho ngưỡng cửa sử dụng hạt nhân bị thu hẹp, thì họ phải giải thích tại sao các vũ khí hạt nhân công suất thấp, phi chiến lược của họ lại không gia tăng khả năng đưa một cuộc xung đột phải cần tới hạt nhân", người phát ngôn chia sẻ với Newsweek.
Mỹ và Nga từ lâu đã luôn cáo buộc nhau phát triển các thiết bị hạt nhân chiến thuật – có thể mang tính hủy diệt thấp hơn so với các vũ khí hạt nhân khác nhưng vẫn sở hữu sức mạnh lớn hơn bất kỳ vũ khí thông thường nào trên thế giới. W76-2 chỉ có sức nổ bằng 1/3 so với quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima năm 1945, nhưng vẫn mạnh hơn gấp 500 lần so với loại "bom mẹ" GBU-43/B.
Đầu đạn hạt nhân W76-2 được nhắc tới trong ngân sách năm ngoái. "Mở rộng các sự lựa chọn hạt nhân linh hoạt của Mỹ hiện tại - bao gồm cả các lựa chọn công suất thấp, là điều quan trọng cho việc có được khả năng ngăn chặn đáng tin cậy trước thái độ hiếu chiến khu vực", bản Báo cáo về Năng lực Hạt nhân 2018 viết, đồng thời cho rằng, Nga cũng đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân công suất thấp của riêng mình.
Hồi tháng 1, Newsweek đưa tin, W76-2 đã được thử nghiệm và lắp cho một tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm Trident II. Một tháng sau, Lầu Năm góc công bố, loại đầu đạn này đã được triển khai như một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm "giải quyết các kết luận rằng, những đối thủ tiềm năng như Nga tin tưởng, vũ khí công suất thấp sẽ đem lại cho họ lợi thế so với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ".
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay, họ đang lên kế hoạch phát triển một loại tên lửa hành trình phóng từ biển có trang bị đầu đạn hạt nhân. "Việc triển khai W76-2 không thay đổi ngưỡng cửa sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ", phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh. "Thay vào đó, nó lại mở rộng ngưỡng cửa của việc sử dụng vũ khí hạt nhân bằng cách đối phó với lợi thế của các đối thủ tiềm năng, đồng thời cải thiện khả năng đánh chặn hạt nhân của Mỹ, cho phép Mỹ đàm phán từ một lập trường có trọng lượng và gia tăng yếu tố trấn an cho các đồng minh của Mỹ".
Đáp trả lại, Moscow phủ nhận các lý do mà Mỹ đưa ra và cho rằng, chính Washington mới là bên hiếu chiến.
Trong một cuộc họp báo tháng trước, các quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, Mỹ đã tiến hành "các cuộc tập trận mini" theo kịch bản là "Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân giới hạn công suất thấp tấn công một địa điểm trên lãnh thổ NATO". Mỹ phản đòn bằng một cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng mà theo một nhân viên miêu tả là mang tính "giới hạn". Nga lập tức có những phản ứng dữ đội, gọi Mỹ là kẻ gieo rắc lo sợ và bình thường hóa chiến tranh hạt nhân bằng một cuộc tập trận "ngớ ngẩn".
Cũng trong ngày 6/3, bà Zakharova chỉ trích, Mỹ đang cố gắng giải thích cho các hành động của mình bằng việc đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc. "Chúng tôi coi các kế hoạch đó là phá hoại", bà Zakharova tuyên bố. "Một cách hiệu quả hơn để đảm bảo an ninh quốc gia là tiếp tục chính sách kiểm soát vũ trang và thiết lập tương tác hòa bình với các nước khác – điều mà chúng tôi một lần nữa đang kêu gọi Mỹ làm theo".
Không chỉ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), chính quyền Trump còn phủ nhận các nỗ lực của Nga nhằm gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START). Washington đưa ra một khung làm việc mới liên quan tới các nền tảng mới như tên lửa siêu thanh cũng như thêm vào các nước khác như Trung Quốc.