Cáo buộc tỷ phú hiếp dâm châm ngòi cuộc tranh luận về cưỡng bức ở TQ
Video lan truyền trên mạng về cáo buộc cưỡng hiếp đối với tỷ phú Richard Liu đã khơi mào cuộc tranh luận hiếm hoi ở Trung Quốc về tấn công tình dục và sự yếu thế của nạn nhân.
Richard Liu, tỷ phú thương mại điện tử Trung Quốc, bước vào một tòa nhà chung cư vào khoảng 10 giờ tối, một phụ nữ trẻ trong tay và trợ lý của ông theo sau. Để lại trợ lý phía sau, người phụ nữ trẻ đưa ông Liu đến thang máy. Sau đó, cô đưa ông vào căn hộ của mình.
Hình ảnh ông bước vào căn hộ bị camera giám sát của tòa nhà chung cư ghi lại và đưa lên mạng Internet Trung Quốc. Với tiêu đề "Bằng chứng về một cái bẫy đào vàng?", video được chỉnh sửa kỹ lưỡng nhằm cho thấy rằng người phụ nữ trẻ mời ông qua đêm và do đó, ông vô tội trước cáo buộc cưỡng hiếp mà cô gái đưa ra.
Đối với nhiều người ở Trung Quốc, nó có hiệu quả. Dư luận trên mạng nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của cô. Ở một đất nước nơi cuộc thảo luận về hãm hiếp im ắng và phong trào #MeToo bị kiểm duyệt và chặn lại, đó có thể là kết thúc của câu chuyện.
Nhưng một số người ở Trung Quốc đã phản bác. Sử dụng các hashtag như #NoPerfectVictim (Không có nạn nhân hoàn hảo), họ đang đặt câu hỏi về những quan điểm được chấp thuận rộng rãi về về văn hóa hiếp dâm và sự đồng thuận.
Không có nạn nhân hoàn hảo
Đoạn video đã trở thành một phần của cuộc tranh luận đó. Một số học giả về nữ quyền tin rằng đây là lần đầu tiên một cuộc tranh luận như vậy xuất hiện ở Trung Quốc.
Theo New York Times, chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ các cuộc thảo luận về các vấn đề giới như phong trào #MeToo vì không tin tưởng vào các phong trào xã hội độc lập. Các quan chức đã cấm hashtag #MeToo năm ngoái. Năm 2015, họ đã bắt giữ các nhà hoạt động vì quyền về giới.
Một số kiến nghị trực tuyến ủng hộ người tố cáo ông Liu đã bị xóa.
Nhưng trên Weibo, mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, hashtag #NoPerfectVictim đã thu hút hơn 17 triệu lượt xem, với hơn 22.000 bài đăng và bình luận. Hàng chục người đã chia sẻ câu chuyện của họ về tấn công tình dục.
"Không ai nên đòi hỏi một cá nhân phải hoàn hảo. Tuy nhiên, công chúng đang yêu cầu điều này với nạn nhân của các vụ tấn công tình dục - những người vô tình ở thế yếu - chứng minh bi kịch của họ", Zhou Xiaoxuan, người đã trở thành gương mặt của phong trào #MeToo của Trung Quốc, viết.
Zhao đã kiện một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng về những cáo buộc anh ta tấn công tình dục cô vào năm 2014 khi cô còn là thực tập sinh.
Các cáo buộc chống lại ông Liu, người sáng lập và chủ tịch của nhà bán lẻ trực tuyến JD.com, khiến dư luận Trung Quốc sững sờ. Năm 2018, ông bị bắt tại Minneapolis sau khi một phụ nữ trẻ cáo buộc ông cưỡng hiếp cô sau bữa tối bàn công việc.
Các công tố viên ở Minnesota từ chối buộc tội ông Liu. Người phụ nữ trong vụ việc, Liu Jingyao, sinh viên 21 tuổi tại Đại học Minnesota, đã kiện ông Liu và đang tìm khoản bồi thường 50.000 USD.
Tranh luận về vụ việc đã nổ ra trên mạng tại Trung Quốc. Khi video "đào vàng" nổi lên, nó đã hướng tình cảm của dư luận tới ông Liu.
"Đoạn video giám sát đã tự nói lên tất cả, cũng như quyết định của công tố viên không đưa ra cáo buộc chống lại thân chủ của chúng tôi", Jill Brillbois, luật sư của ông Liu ở Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.
Đoạn video không có tiếng nhưng có phụ đề. "Người phụ nữ dẫn Liu đến thang máy", "Người phụ nữ tự nguyện bấm số tầng", "Một lần nữa, người phụ nữ ra hiệu cho lời mời", các dòng phụ đề viết.
Tuy nhiên, video không cho thấy khoảnh khắc quan trọng nhất, đó là những gì đã xảy ra giữa ông Liu và cô Liu sau khi cánh cửa căn hộ đóng lại.
"Video đầy đủ mô tả một phụ nữ trẻ không thể xác định vị trí căn hộ của mình và một tỷ phú hướng dẫn cô ấy dựa vào cánh tay của mình để khỏi nghiêng ngả. Việc phát hành một video không hoàn chỉnh và sự im lặng của nhiều người ủng hộ Jingyao trên mạng xã hội sẽ không ngăn cản một bồi thẩm đoàn dân sự ở bang Minnesota nghe thấy sự thật", Wil Florin, luật sư của cô Liu, người cáo buộc đại diện của ông Liu vì phát hành đoạn video, cho biết.
Sự dè bỉu của dư luận
Trong mắt nhiều người, nó mâu thuẫn với lời kể trong vụ kiện của cô Liu về một nạn nhân vô tội, bất lực. Một số người cho biết video đã xác nhận những nghi ngờ của họ rằng cô Liu yêu cầu qua đêm và chỉ theo đuổi tiền của ông Liu. Họ cho rằng một cô gái con nhà gia giáo sẽ không giao thiệp kiểu đó và thắc mắc tại sao cô Liu không từ chối uống rượu.
Những người nổi tiếng hiếm hoi lên tiếng ủng hộ cô Liu đang bị chỉ trích dữ dội. Zhao Hejuan, Giám đốc điều hành của Công ty truyền thông công nghệ TMTPost, đã phải vô hiệu hóa bình luận trên tài khoản Weibo của mình sau khi nhận được lời dọa giết. Cô chỉ trích ông Liu, một người đàn ông đã có vợ cùng một cô con gái nhỏ, vì cư xử không đúng mực.
Trong một đoạn video dài 7 phút có tựa đề "Tôi cũng là nạn nhân của tấn công tình dục", bốn phụ nữ và một người đàn ông đã nói trước camera về câu chuyện của họ.
Video được sản xuất bởi những người tổ chức hashtag #HereForUs cố gắng định nghĩa rõ ràng về tấn công tình dục cho người xem, giải thích rằng nó có thể diễn ra giữa những người quen biết nhau và trong hoàn cảnh phức tạp.
Người đàn ông bị một cậu bé lớn tuổi hơn quấy nhiễu trong thời thơ ấu. Một phụ nữ bị bạn cùng lớp hãm hiếp khi cô bị ốm. Một người bị tấn công bởi một nhân vật quyền lực trong công việc nhưng không dám nói ra vì cô nghĩ không ai tin mình. Một người bị hãm hiếp sau khi uống quá nhiều rượu trong buổi hẹn.
"Sự dè bỉu không đến từ những người khác. Tôi là người đầu tiên tự gọi mình là đồ hư hỏng", cô nói trong video.
Video đã được xem gần 700.000 lần trên Weibo nhưng những người tạo ra video vẫn cảm thấy khó khăn để nói nhiều hơn, phản ánh những trở ngại mà các nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc phải đối mặt.
"Một cách tiếp cận phi tập trung, đằng sau hậu trường là điều cần thiết nếu phong trào #MeToo phát triển ở Trung Quốc", Lü Pin, biên tập viên sáng lập của Nữ quyền, nền tảng vận động cho quyền phụ nữ tại Trung Quốc, nói với New York Times.
"Thật tuyệt vời khi họ tạo ra một hiện tượng như vậy trong hoàn cảnh khó khăn đến thế", cô Lü nói.