Cạo đầu, cắt tóc ngắn sau biến cố COVID-19
COVID-19 đối với một số người là cơn ác mộng, nỗi ám ảnh và đau thương tột cùng. Do vậy, họ chọn cách cạo đầu cầu nguyện vượt qua bệnh tật hoặc cắt đi mái tóc dài để bắt đầu hành trình mới.
Người dân sống ở hẻm 266 đường Tôn Đản (phường 4, quận 4, TP.HCM) có nhiều ký ức đau buồn khi nhắc về thời điểm đỉnh dịch COVID-19 hoành hành ở TP.HCM. Nhiều người sống ở con hẻm này đã vĩnh viễn ra đi khi nhiễm dịch bệnh. Số người còn sống cũng mang lấy nỗi sợ vô hình, bất giác nhớ lại còn cảm thấy rùng mình.
Chị Dương Thị Tuyết Mai (52 tuổi, ngụ hẻm 266, phường 4, quận 4) như một minh chứng sống về chuỗi ngày dịch bệnh đáng sợ quét qua con hẻm.
“Con hẻm vốn rất nhộn nhịp, bà con qua lại thân tình. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 đến, nó im ắng đến mức không thể tưởng tượng nổi, im một cách rùng rợn, cả tiếng chó mèo thường ngày cũng không nghe thấy” – chị Mai nhớ lại.
Cả nhà chị Mai nhiễm COVID-19, mẹ của chị đã không qua khỏi, còn chị phải chống chọi với những triệu chứng nặng nề.
Chị Mai bị nặng nhất so với các thành viên khác trong gia đình. Chị mệt đến mức chỉ nằm một chỗ, không ăn uống được nên được đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện, chị được bác sĩ thăm khám bốn lần một ngày và dần dần khỏi bệnh.
“Lúc bệnh nặng, tôi mê man nên không thấy sợ. Khi tỉnh lại rồi, nhớ lại chuỗi ngày đó, tự nhiên tôi ớn lạnh, ám ảnh. Không hiểu vì sao như vậy” – chị Mai rùng mình nhắc lại.
Lấy tay vuốt lấy mái tóc muối tiêu, mới dài được khoảng một phân, chị Mai gọi đó là dấu tích của nỗi sợ COVID-19. Sau trận bệnh thập tử nhất sinh, chị đã cạo trọc đầu để cảm tạ trời đất và cầu mong người thân mau khỏe lại, dịch bệnh nhanh chóng qua đi. Không chỉ cắt tóc, chị Mai còn ăn chay một tháng để mong bản thân bình thản vượt qua nỗi sợ COVID-19.
Hiện tại, cuộc sống của chị đang dần trở lại bình thường. Ký ức đáng sợ của dịch bệnh luôn nhắc nhở chị Mai phải 5K cẩn trọng.
Không cạo trọc đầu như chị Mai, chị Tạ Thị Thanh Thủy (22 tuổi, ngụ phường 8, quận 4) lại chọn cách cắt ngắn mái tóc dài suông mượt trước đó để vượt qua cú sốc mất người thân do COVID-19.
Cùng lúc, cả mẹ và chị gái đều nhiễm COVID-19 với những triệu chứng nặng khiến chị Thủy rất lo lắng. Trong ngôi nhà nhỏ, những ngày chờ tin người thân đang nằm bệnh viện, chị cảm thấy tuyệt vọng.
Chị Thủy tâm sự: “Thành phố đang giãn cách, người thân không ai có thể đến ở cùng tôi mà lúc đó lại nghe tin mẹ hôn mê, chị gái trong phòng hồi sức cấp cứu, đầu óc của tôi đau đớn, như thể sắp nổ tung. Chỉ trong một tuần, tôi nhận tin chị gái mất rồi đến mẹ cũng qua đời. Lúc đó, tôi tuyệt vọng đến mức chỉ muốn tự tử. Thế nhưng, bà con họ hàng khuyên nhủ, động viên rất nhiều, cho nên, tôi tĩnh tâm lại”.
Để giải tỏa phần nào tâm trạng tồi tệ, chị Thủy quyết định cắt đi mái tóc đen huyền, dài mượt. Quả thật, sau khi cắt tóc ngắn, chị cũng cảm thấy nỗi đau có vơi đi đôi chút. Chị bắt đầu chấp nhận cuộc sống trống trải một mình trong căn nhà vắng với chú mèo nhỏ.
“Ba mất sớm, tôi sống với mẹ, được mẹ chăm lo chu đáo. Cho nên, lúc mẹ mất, tôi chới với trong những mối lo cơm áo gạo tiền. May mà, chính quyền địa phương, bà con, hàng xóm… cũng thương tình mà góp tâm san sẻ. Lúc đầu, tôi còn định bảo lưu năm cuối đại học để đi làm, tự lo cho bản thân. Thế nhưng, được mọi người động viên, tôi lại cố gắng tập trung vào con đường học vấn” – chị Thủy chia sẻ.
Trong ngôi nhà bàng bạc nhang khói, chị Thủy vuốt ve chú mèo nhỏ, nước mắt lại chảy thành dòng khi ký ức đau thương được gợi về. Mái tóc ngắn rồi sẽ dài lại nhưng mất mát sẽ không như mái tóc đã cắt đi. Nó sẽ ở mãi trong tim của chị, nhắc nhớ về đại dịch kinh hoàng, và mỗi người chúng ta tìm cách riêng để vượt qua nó, bắt đầu một hành trình mới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/cao-dau-cat-toc-ngan-sau-bien-co-covid19-1044201.html