Cao điểm kiểm soát nồng độ cồn: Nở rộ dịch vụ chở hộ khách say, quán nhậu vẫn ế
Hàng loạt nhà hàng, quán nhậu tại Thủ đô Hà Nội vắng khách sau khi lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện cao điểm kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn; tâm lý khách nhậu cũng có chuyển biến tích cực, xác định khi nhậu sẽ hạn chế đi xe cá nhân; các dịch vụ 'lái xe hộ khách nhậu' bắt đầu nở rộ…
Tăng dịch vụ lái xe đưa khách nhậu
Theo kế hoạch mới nhất của Bộ Công an, đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn tiếp tục thực hiện mạnh tới ngày 14-12-2023. Nắm bắt được vấn đề này, một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai ứng dụng hỗ trợ lái xe đưa khách nhậu, người say về nhà.
Thực tế, dịch vụ lái xe hộ đưa khách nhậu về nhà bắt đầu manh nha từ những năm 2019 khi Nghị định 100 bắt đầu thực hiện. Tuy vậy, những tháng cao điểm gần đây dịch vụ này mới phát triển mạnh. Bản chất của dịch vụ lái xe hộ là khi khách nhậu say có xe ô tô, nhưng không muốn tự lái, sẽ gọi điện cho dịch vụ lái xe hộ có trên một số ứng dụng để thuê đưa xe và người về nhà an toàn. Giá dịch vụ theo cung đường, khung giờ, càng về khuya giá càng cao.
Tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, dịch vụ lái xe hộ khách nhậu ViSafe được quảng cáo có thể thuê tài xế theo giờ, theo ngày, một chiều, theo yêu cầu riêng. Đại diện ViSafe khẳng định, tài xế tham gia phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, có bằng B2 trở lên và có hồ sơ nhân thân rõ ràng để quản lý, đảm bảo yên tâm cho khách khi giao xe ô tô.
Tìm hiểu trên fanpage của ViSafe, tại Hà Nội, rất nhiều người muốn đăng ký trở thành tài xế.
Cũng tại TP Hà Nội, dịch vụ lái xe hộ có tên HG, với phương thức hoạt động tương tự ViSafe, được quảng cáo giá từ 340.000 đồng/chuyến. Dịch vụ này hoạt động 24/24 giờ, nếu quãng đường dưới 10km và trước 22 giờ tối giá là 340.000 đồng/chuyến; sau 22 giờ giao động từ 360.000 - 380.000 đồng/chuyến, trên 10km trả thêm từ 30.000 - 40.000 đồng; quãng đường trên 30km, giá thỏa thuận.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng có nhiều nhóm tự phát hoạt động với phương thức tương tự.
Trước việc kiểm soát mạnh nồng độ cồn như hiện nay, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các nhóm “thông báo chốt” để đối phó với lực lượng chức năng. Những nhóm này cũng công khai bàn cách đối phó, né chốt như nhậu qua 23 giờ, về khung giờ tan tầm, đông người để tránh cảnh sát giao thông; trang bị quần áo công nghệ khi ra về để tránh cảnh sát giao thông…
Nhà hàng, quán nhậu chịu ảnh hưởng lớn
Trong thời gian gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát nồng độ cồn, cùng với đó ý thức của một bộ phận người dân đã tốt hơn, đã lái xe thì không uống rượu bia.
Tại quận nội thành của Hà Nội, các quán bia, nhà hàng lượng khách đã giảm đi đáng kể. Hình ảnh các nhân viên trông giữ xe, nhân viên quán bia, nhà hàng rảnh việc vào mỗi buổi trưa không hiếm.
Nếu như trước kia, cứ khoảng 11 giờ 30 hàng ngày, tại quán Bò Tơ, số 1 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng khách bắt đầu đông, thì nay cũng chỉ lác đác. Khách tới quán hầu hết lựa chọn phương tiện xe công nghệ hoặc người ở gần đi bộ.
Đối diện quán số 1 Tăng Bạt Hổ, là số 14, quán Bếp Hàng Xóm cũng im ắng không kém. Người trông giữ xe cho biết, lượng khách những ngày này giảm đáng kể so với dịp trước tết.
Cách các quán nhậu số 1, số 14 Tăng Bạt Hổ khoảng 40m là chuỗi quán nhậu Hải Xồm. Theo ghi nhận, trước đây cứ khoảng 11 giờ 30, tại các dãy quán này thường đông kín xe máy, xe ô tô đỗ vỉa hè để vào nhậu, thì nay vào khung giờ trên hầu như vắng bóng khách nhậu.
Nam nhân viên trông giữ xe tại một quán nhậu ở khu vực này khẳng định, cảnh sát giao thông đang làm rất chặt, nhưng làm theo khung giờ, chứ không đứng cả ngày.
Nhân viên này còn cho biết, "khách vào uống bia hơi, nếu ra về lúc 13 giờ 30 có thể “thoát” được lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra kiểm tra nồng độ cồn. Còn nếu về khoảng hơn 14 giờ tới 15 giờ, chắc chắn sẽ gặp cảnh sát giao thông".
“Anh cứ vào uống thoải mái, chúng tôi sẽ lo đưa anh về, tôi vừa trông xe cũng vừa kiêm luôn đưa khách nhậu về, nên yên tâm”, nam nhân viên khẳng định để khách yên tâm vào nhậu.
Cũng trên quận Hai Bà Trưng, quán nhậu Tự Do nằm trên hai mặt tiền đường Lê Ngọc Hân và Trần Xuân Soạn tình cảnh ế ẩm không kém. Quan sát khoảng 30 phút ở quán này, mới chỉ có 2 người khách rủ nhau vào ngồi.
Trong khi đó, ghi nhận tại nhà hàng Hải Xồm, số 45 Trần Nhân Tông, quận Cầu Giấy, lượng khách nhậu cũng chỉ lác đác, nhân viên trông xe cho biết, "thời điểm này ít hơn khoảng 50% so với thời kỳ chưa làm mạnh nồng độ cồn". Những khách đến nhậu, thường đi taxi, grab; bên ngoài quán, luôn có từ 3 - 4 xe taxi chờ sẵn để đưa khách nhậu về. Cách đó 100m là nhà hàng Beer Xanh, số 65 Trần Nhân Tông, khách vào cũng chỉ lác đác.
Chủ một nhà hàng trên phố Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông chia sẻ, từ đầu tháng 3-2023 đến nay, nhà hàng của ông đã giảm hơn 50% lượng khách do lo lắng việc bị đo nồng độ cồn, bởi cách quán khoảng 200m thường có chốt cảnh sát giao thông. “Chúng tôi cũng tính tới phương án thuê lực lượng tài xế đưa khách nhậu về, nhưng do quán quy mô chưa lớn, nếu thuê sẽ tốn kém và ảnh hưởng tới doanh thu. Nếu kiểm soát nồng độ cồn mạnh như hiện nay, các cơ sở kinh doanh ăn, uống rất khó tồn tại”, chủ nhà hàng này chia sẻ.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lãnh đạo Bộ Công an thấy rằng, cần phải lập lại trật tự, kỷ cương và chọn ra chuyên đề là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông sau thời gian diễn ra dịch bệnh.
“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính của những vụ tai nạn giao thông là liên quan tới rượu, bia; tốc độ, tránh vượt không đúng quy định; dừng, đỗ không đúng quy định cũng liên quan tới rượu, bia. Do đó, chuyên đề xử lý nồng độ cồn là đánh trúng nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, để hạn chế việc báo chốt, chống đối lực lượng chức năng, trước khi thực hiện kế hoạch đo nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông đã phải làm tốt công tác điều tra cơ bản. Theo đó, điều tra từng tuyến đường, từng nhà hàng, từng đối tượng, sau đó mới tiến hành bố trí lực lượng ở những điểm đó; bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên thay đổi địa điểm liên tục. Do đó, những tài xế có biểu hiện né tránh chốt, chống đối đã được hạn chế mức thấp nhất.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 1-3 đến ngày 14-12-2023, tiếp tục thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các tổ chuyên đề sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... Trong quá trình xử lý vi phạm, người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định.