Cao điểm truy quét thuốc và thực phẩm chức năng giả

Bộ Y tế phát động đợt cao điểm từ 15/5 đến 15/6 nhằm chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Trước tình trạng gia tăng các vụ buôn lậu, làm giả thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý kéo dài một tháng, từ 15/5 đến 15/6.

Mục tiêu là siết chặt quản lý, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, xuất xứ, chất lượng và quảng cáo sản phẩm trong lĩnh vực y tế.

Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, như đường dây sản xuất hơn 100 loại thực phẩm chức năng giả hay các sản phẩm sữa, thuốc kém chất lượng.

Bộ Y tế nhấn mạnh yêu cầu "kiểm tra, xử lý nghiêm" các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, đặc biệt trong các ngành nghề có điều kiện.

Thuốc, thực phẩm chức năng giả bị cơ quan phát hiện.

Thuốc, thực phẩm chức năng giả bị cơ quan phát hiện.

Các chuyên gia, cán bộ trong ngành y tế cũng được yêu cầu cam kết không quảng bá sản phẩm khi chưa xác minh đầy đủ tính pháp lý, tránh phóng đại công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mọi hành vi quảng cáo sai lệch sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Bộ cũng nhấn mạnh trách nhiệm của công chức, viên chức trong quá trình thẩm định, cấp phép và công bố sản phẩm. Nếu để xảy ra sai phạm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Tại cuộc họp liên ngành mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và làm giả hàng hóa đang diễn biến phức tạp, lan rộng trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và sức khỏe cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu mở đợt truy quét mạnh mẽ kéo dài một tháng. Một tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu sẽ giám sát thực hiện. Tại các địa phương, tổ công tác do chủ tịch UBND phụ trách, phối hợp với các lực lượng liên ngành.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 8.200 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu; trên 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; và hơn 1.100 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước lên đến gần 4.900 tỷ đồng, với khoảng 1.400 vụ bị khởi tố hình sự.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cao-diem-truy-quet-thuoc-va-thuc-pham-chuc-nang-gia-ar943805.html