Cao su Đà Nẵng báo lãi giảm 40%
Trong quý IV/2024, Cao su Đà Nẵng (DRC) đạt doanh thu thuần 1.100 tỷ đồng (+2% so với cùng kỳ năm trước).
CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã công bố tình hình kinh doanh quý cuối cùng năm 2024. Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh như sau:
Doanh thu xuất khẩu (chiếm 51% tổng doanh thu quý IV/2024) giảm 13% so với cùng kỳ do việc áp thuế nhập khẩu ở Brazil (áp dụng từ quý II/2023, Brazil chiếm khoảng 44% doanh thu xuất khẩu) và chi phí vận chuyển cao. Mặc dù doanh thu tại Mỹ tăng (chiếm khoảng 28% doanh thu xuất khẩu) nhờ khách hàng đa dạng hóa nguồn cung từ Thái Lan sang Việt Nam trước khi Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá (có hiệu lực từ năm nay), nhưng điều này không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Brazil. Sản lượng xuất khẩu lốp TBR và lốp PCR giảm xuống còn 131.000 chiếc (-13% so với cùng kỳ) và 36.000 chiếc (-12% so với cùng kỳ).
Doanh thu nội địa (chiếm 49% tổng doanh thu quý IV/2024) phục hồi 24% so với cùng kỳ năm trước, từ mức thấp trong năm 2023 do các khách hàng của DRC gặp khó khăn tài chính vì tín dụng bị thắt chặt. Tuy nhiên, lốp xe bán trong nước chủ yếu là lốp bias, loại lốp này đang dần được thay thế bởi lốp radial. Do đó, doanh thu nội địa có thể khó duy trì đà tăng trưởng.
Chi phí nguyên liệu tăng mạnh, với chi phí cao su tự nhiên tăng 27% và cao su tổng hợp tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc chi phí nguyên liệu tăng, DRC còn phải chịu thêm chi phí khấu hao cao hơn khi công suất mới của nhà máy lốp radial đi vào hoạt động. Xin lưu ý, công suất sản xuất mới của nhà máy radial (TBR) bắt đầu hoạt động từ quý I/2024, với tổng giá trị đầu tư là 700 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí nguyên liệu và chi phí khấu hao tăng đã làm giảm biên lợi nhuận gộp của DRC (12,6% trong quý IV/2024 so với 18,4% trong quý IV/2023).
Lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của DRC giảm còn 73 tỷ đồng (- 40% so với cùng kỳ năm trước) do giá cao su tự nhiên tăng, chi phí khấu hao từ công suất radial mới và chi phí vận chuyển cao.
Tính tới 31/12/2024, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng tăng 24% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 812 tỷ đồng lên 4.196,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 1.487,1 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.212,8 tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 696,9 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, trong năm các khoản phải thu ngắn hạn tăng 52,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 239,94 tỷ đồng lên 696,9 tỷ đồng; tồn kho tăng 25,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 302,8 tỷ đồng lên 1.487,1 tỷ đồng …
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Cao su Đà Nẵng tăng 62,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 369,4 tỷ đồng lên 959,1 tỷ đồng và bằng 50,1% vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 589,7 tỷ đồng và bằng 31,9% vốn chủ sở hữu). Vốn điều lệ của doanh nghiệp đạt 1.188 tỷ đồng, cổ đông góp vốn không được công khai trong báo cáo tài chính.