Cao su Việt Nam (GVR) muốn phát triển thêm 16.500 ha đất tại vùng Đông Nam Bộ

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) vừa công bố loạt thông tin phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, bao gồm mức cổ tức và chiến lược phát triển quỹ đất thời gian tới.

 Cao su Việt Nam sẽ tập trung triển khai các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.

Cao su Việt Nam sẽ tập trung triển khai các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 17/6 tới đây.

Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét và phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3% vốn điều lệ.

Theo Báo cáo thường niên năm 2023 được Cao su Việt Nam công bố hồi tháng 4 vừa qua, trong năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.437 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,2% và 2% so với năm 2023.

Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2024, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam đã đề ra giải pháp cho các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Cao su Việt Nam định hướng các đơn vị thành viên tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, giải ngân đối với các dự án trọng điểm: Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, Khu công nghiệp Nam Pleiku để tạo nguồn thu, hỗ trợ các hoạt động khác của Tập đoàn.

Đồng thời, Cao su Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư tại các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng, Khu công nghiệp Minh Hưng 3 giai đoạn 2, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú giai đoạn 2, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú giai đoạn 2.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao su Việt Nam dự kiến tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Ngoài ra, Cao su Việt Nam cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để có điều kiện phát triển thêm 16.592 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tập đoàn làm chủ đầu tư gồm 10.997 ha và các đơn vị khác đầu tư 5.615 ha.

Về triển vọng kinh doanh năm 2024 và những năm tiếp theo, động lực tăng trưởng của Cao su Việt Nam ngoài đến từ mảng bất động sản khu công nghiệp còn được hỗ trợ bởi mảng cao su.

Theo Cao su Việt Nam, giá bán cao su trung bình trong quý 1/2024 của Tập đoàn đạt 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo giá bán cao su trung bình trong cả năm nay sẽ tăng 6 - 10% so với mức thấp kỷ lục của năm 2023.

Hiện tại, thị trường cao su toàn cầu đang rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung do Thái Lan và Indonesia (nguồn cung cao su tự nhiên chính trên thế giới) đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Đồng thời, giá dầu thô tăng cao cũng làm tăng giá cao su.

Trong khi đó, Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam, được dự báo sẽ duy trì doanh số ô tô ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, từ đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cao-su-viet-nam--gvr--muon-phat-trien-them-16-500-ha-dat-tai-vung-dong-nam-bo-121764.htm