Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, khởi công ngày 4/1/2021.
Dự án có 3 gói thầu, tiến độ thi công đến nay đạt khoảng 82% khối lượng.
Điểm đầu dự án kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 (đã hợp long, dự kiến thông xe cuối năm nay) và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 1A tại thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) đi cầu Cần Thơ.
Dự án có 3 nút giao, gồm nút giao với Quốc lộ 80 (đầu tuyến), nút giao với Đường tỉnh 908 và nút giao Chà Và (cuối tuyến). Đến nay, các nút giao đã hoàn thành dỡ tải, các nhà thầu đã thi công nền đường và các lớp mặt đường.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), một trong những khó khăn lớn nhất của dự án là thiếu nguồn vật liệu cát.
Trên công trường hiện có hơn 1.000 nhân công, cán bộ kỹ thuật, hơn 500 đầu máy móc thiết bị thi công ngày đêm để đáp ứng tiến độ.
Thời gian còn lại không còn nhiều, nhưng hiện dự án còn thiếu khoảng 40.000m3 cát. Đặc biệt, tại nút giao cuối tuyến có nhiều hạng mục nên nhà thầu đang tập trung nhiều nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Trước mắt, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết 80 km/h.
Dự án góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch.
Tại chuyến kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, giám sát… Trong quá trình triển khai dự án còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng các nhà thầu đã hết sức cố gắng vượt qua để từng bước tiến về đích và phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ.
Bộ trưởng GTVT đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ dự án về nguồn vật liệu vì thời gian rất gấp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu chậm nhất ngày 25/12 phải hoàn thành đồng bộ cả tuyến chính, đường gom, đường dân sinh; chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đảm bảo việc thi công vừa đúng tiến độ, chất lượng nhưng vẫn đảm bảo an toàn...
Cảnh Kỳ